Cộng đồng chung tay giúp

Thứ năm, ngày 28/04/2011 17:53 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngoài nguồn ngân sách, các địa phương cần tích cực huy động cộng đồng tham gia giúp hộ nghèo cải thiện nhà ở trong bối cảnh vật giá leo thang...
Bình luận 0

Những căn nhà dang dở

img

Chị Đinh Thị Hiên ở Phù Yên, Sơn La với căn nhà tạm rách nát đang ngóng đợi hỗ trợ của Nhà nước.

Khi đọc bài báo về những hộ nghèo trả lại tiền hỗ trợ xây nhà vì số tiền quá ít trong khi họ không lo được số tiền còn lại, anh Đinh Văn Uốn (bản Bó xã Huy Hạ huyện Phù Yên, Sơn La) bày tỏ: "Nhiều hộ nghèo trong bản được hỗ trợ xây nhà theo Quyết định 167 cuối năm 2010, bây giờ đang làm dở nhà mới khốn khổ bởi giá cả cái gì cũng tăng cao vòn vọt. Nhiều nhà phải tạm dừng làm nhà, để dở dang phần thô hoặc che đậy tạm ở cho qua ngày".

Anh Uốn đang là phụ hồ cho nhóm thợ xây ở xã Huy Hạ nên những khó khăn của các gia đình đang tu sửa, xây mới nhà cửa hiện nay, anh đều biết rõ: "Có hộ giàu có hẳn hoi, trước Tết làm nhà, dỡ nhà cũ xong thì giá vật liệu, công thợ, thức ăn, đồ uống tăng vọt. Thế là dự tính cái nhà 3 tầng nay chỉ còn 2 tầng. Người nghèo còn khổ hơn. Làm nhà trượt giá thêm 5-6 triệu đồng nữa thì lấy đâu ra".

Ông Hà Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho biết, hết năm 2010 cả huyện chỉ còn hơn 1.000 hộ có nhà tạm và dự tính sẽ xoá hết trong năm 2011. Nhưng từ cuối năm 2010 đến nay thì tốc độ thực hiện chương trình chậm hẳn lại vì ngoài việc giá cả vật liệu xây dựng, công thợ không ngừng tăng cao thì điểm tựa lớn nhất của người dân là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cũng khan hiếm. Nhiều hộ đã thực hiện xoá nhà tạm xong rồi nhưng nay hỏi đến "tiền vốn được vay 8 triệu đồng như chính sách của tỉnh, huyện đã nói thì Ngân hàng CSXH lắc đầu vì không có tiền". Vì thế các hộ chưa được xoá nhà tạm cũng đành ngồi… đợi Nhà nước điều chỉnh.

Sẽ đề xuất tăng hỗ trợ

Theo Chương trình 30a, tổng số nhà ở được chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo ở 62 huyện đặc biệt khó khăn trong 2 năm qua là gần 75.000 ngôi nhà mới nhưng vẫn còn hàng vạn hộ cần hỗ trợ xây mới nhà cửa. Còn theo Chương trình 167 (thực hiện từ 2008-2012), sau 2 năm triển khai, đến nay đã có 66% số hộ nghèo (khoảng 340.000 hộ)có nhà ở an toàn và ổn định.

Nguồn: Báo cáo của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Cái khó của hộ nghèo cũng đã được Bộ Xây dựng lắng nghe. Theo Chương trình 167, đơn giá xây dựng các căn nhà đã có: diện tích từ 28-40m2, kinh phí xây dựng 20-25 triệu đồng/căn; nhiều nhà có diện tích từ 50 - 60m2, giá thành trên 50 triệu đồng.

"Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều phản ánh, so với năm 2008, đến nay hầu hết các chi phí như vật liệu xây dựng, nhân công, vận chuyển… đều tăng rất nhiều, để xây dựng được một căn nhà với mức kinh phí dưới 30 triệu đồng là điều không thể, thậm chí cả mức 50 triệu đồng cũng không làm được" - một cán bộ Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho hay.

Trước thực trạng này, các địa phương đã phải linh động giải quyết tình thế. Theo ông Trịnh Ngọc Thành- Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương, tại huyện Nam Sách, nhờ việc huy động sự chung tay của doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể giúp đỡ bằng ngày công, vật liệu… nên việc xoá nhà tạm gần như đã về đích.

"Hiện chúng tôi đang triển khai kinh nghiệm của Nam Sách trên toàn địa bàn tỉnh để quyết tâm về đích trong năm 2011, nếu không tỉnh sẽ có các biện pháp hỗ trợ khác"- ông Thành nói.

Trao đổi với NTNN, bà Võ Thị Hoà Thanh - Phó Chánh văn phòng giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) cho rằng: "Ngoài nguồn ngân sách, các địa phương cũng cần tích cực huy động cộng đồng cùng tham gia giúp đỡ hộ nghèo cải thiện nhà ở, cả về tiền bạc cũng như vật liệu, ngày công… để giảm chi phí trong thời điểm khó khăn hiện này".

Tuy hiên, bà Thanh cũng khẳng định: "Nếu trường hợp quá khó khăn, liên bộ, trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ LĐTBXH chắc chắn sẽ có đề xuất để Chính phủ tăng nguồn hỗ trợ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem