Một Công Lý khácKhi nhận lời làm phó đạo diễn cho bộ phim “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc” của đạo diễn Vũ Trường Khoa, NSƯT Công Lý không nghĩ đến chuyện có lúc mình lại vào vai ông Lâm- nhân vật chính của phim này.
Anh kể: “Ngay từ khi đọc kịch bản, tôi đã thấy nhân vật ông Lâm rất hay, đó là một người đàn ông làm nghề đầu bếp rất giỏi, nhưng trong một lần đi thi tài, ông đã không thể ở bên vợ lúc bà sinh đứa con gái thứ 3 và bà qua đời. Ông Lâm đã quyết định ở vậy vừa làm cha vừa làm mẹ, nuôi dạy 3 cô con gái lớn lên, trong mặc cảm mình chính là nguyên nhân gây nên cái chết của vợ.
Cuộc sống của ông có rất nhiều những thăng trầm, khó khăn bởi một người làm gà trống nuôi con, lại toàn là con gái không hề đơn giản, lúc về già, ông lại mắc căn bệnh alzheimer (trầm cảm và mất trí nhớ) khiến mọi chuyện càng khó khăn hơn...”.
NSƯT Công Lý và dàn diễn viên trẻ trong phim.
Bởi vì khán giả đã quá quen với Công Lý trong các vai “cô Đẩu” õng ẹo và đanh đá ở các chương trình Táo quân cuối năm và các tiểu phẩm hài hước, nên thực sự vai diễn bi kịch là một thử thách với anh. Nhưng tìm mãi không được diễn viên nào phù hợp để vào vai ông Lâm, đạo diễn Vũ Trường Khoa và ê kíp đã động viên Công Lý nhận luôn vai này. Với Công Lý, việc vào vai ông Lâm đã khiến anh phải “thoát xác” và gạt bỏ hết “chất” hài trong cách diễn của mình để gắn bó với một nhân vật có tính cách hoàn toàn khác hẳn.
Ngoài đời, Công Lý sôi nổi, trẻ trung, nhưng trong phim, Công Lý điềm đạm, thâm trầm, sống nội tâm, già nua mệt mỏi. Anh bảo: “Nói thực lòng, mỗi khi vào vai này, để lấy động lực và cảm hứng diễn xuất, tôi lại nghĩ đến hình ảnh của bố tôi. Tôi phải cố làm sao để có được ngoại hình giống ông, gầy gầy, ốm ốm, đi lại nói năng chậm rãi. Bởi vì tuổi nhân vật quá cách xa so với tuổi của mình nên để có một vai diễn thành công, tôi đã phải quên mình thực sự”.
Phim khởi quay vào những ngày mùa đông Hà Nội rét buốt, nhưng vì có những phân cảnh mùa hè nên “ông già” Công Lý vẫn cứ phải mang một manh áo cộc tay phong phanh, đó là những ấn tượng không thể nào quên về những ngày làm phim của anh. Công Lý kể: “Trời rét cắt da cắt thịt mà tôi chỉ mặc áo cộc tay, mặt xám ngoét, môi tím tái, tôi trêu nhân viên hóa trang trong đoàn phim là thế này thì khỏi tốn công tốn của để “dìm hàng” nhan sắc của tôi cho đúng với tuổi nhân vật”.
Để nghĩ đến điều tốt đẹpTại buổi họp báo ra mắt phim, nhiều nhà báo đã hỏi Công Lý, giữa anh và nhân vật ông Lâm có điểm gì chung? (với một chút ý “cài cắm” đến tình trạng 2 lần kết hôn nhưng đều đã chia tay của anh). Nhưng Công Lý không dễ bị dồn vào thế bí, anh bảo: “Giữa tôi và ông Lâm khác nhau nhiều chứ, ông Lâm mất vợ phải sống cảnh gà trống nuôi con, tôi thì không thế, tôi không mất vợ, không phải nuôi 3 cô con gái và chưa già. Nhưng tôi và ông ấy chung nhau ở chỗ đã cùng có con, và đó chính là điều mang lại cảm xúc cho vai diễn của tôi”.
Phim “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc” do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất, đạo diễn Vũ Trường Khoa, phó đạo diễn và là diễn viên chính NSƯT Công Lý, cùng các diễn viên: NSND Trần Nhượng, NSƯT Minh Hằng, Quỳnh Trang... Phim sẽ phát sóng trên kênh VTV6 vào 19 giờ 15 thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ ngày 3.8.
|
Công Lý nói, câu thoại anh nhớ nhất trong phim này đó là một lời nói của ông Lâm: “Khi nào làm cha mẹ, các con sẽ hiểu”, bởi đó chính là chìa khóa quan trọng nhất để lý giải sự hy sinh vô bờ bến của một người cha dành cho những đứa con của mình.
“Ý nghĩa giáo dục cao nhất của bộ phim là muốn khán giả từ câu chuyện của các nhân vật, từ cách họ ứng xử với nhau để có thể rút ra được điều gì đó cho mình. Chính bản thân tôi, sau khi thể hiện vai ông Lâm, tự tôi cũng thấy mình tốt hơn lên khi nghĩ tới những điều tốt đẹp về tình cảm cha con, về tình thân gia đình. Trong đời sống, cũng có rất nhiều những người đàn ông như ông Lâm, họ đã hy sinh tất cả vì con mình, luôn ở bên con như một chỗ dựa vững chãi, tôi tin những người như ông Lâm là có thực và cũng muốn khán giả tin như thế”- nghệ sĩ chia sẻ.
Công Lý đang rất chờ đợi đến ngày phim lên sóng và đón nhận những phản hồi của khán giả về vai diễn bi kịch dài hơi lần đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của anh. Anh tâm sự: “Tôi khá hồi hộp với lần ra mắt này, thật ra mọi người đã bị ấn tượng quá sâu đậm về những vai diễn trước đây của tôi, những vai hoặc là thuần túy hài hước hoặc là thuộc diện “thanh niên chậm tiến” tính cách nham nhở trên màn ảnh. Lần đầu tiên vào vai một người đàn ông đứng tuổi, có đời sống nội tâm sâu sắc, là một hình mẫu đẹp về tình cha con, tôi rất mong sẽ được khán giả đón nhận”.
Hoài Lê ( Hoài Lê)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.