|
Công nhân Công ty cổ phần Chè Than Uyên đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. |
Thu không bù nổi chi
Gia đình ông V.T (xin được giấu tên) từ miền xuôi lên huyện Than Uyên làm công nhân chè đã mấy chục năm mà chỉ dành dụm làm được ngôi nhà gỗ 3 gian. Tiếp xúc với phóng viên NTNN, ông T than thở: “Bây giờ lương tháng của tôi không đủ mua mấy gói thuốc lào. Có tháng còn bị "âm", phải lấy tiền hưu của vợ mà bù vào trả nợ công ty”.
Bà H - vợ ông T gay gắt phản ánh: Cứ thế này thì công nhân ngành chè chết đói hết. Chè là của công ty giao cho công nhân sản xuất, sản phẩm phải bán, nộp lại cho công ty; công nhân hưởng lương theo sản phẩm. Công ty yêu cầu chè phải được chăm bón đúng theo quy trình, nhưng một cân chè công ty thu mua với giá 3.300 đồng trong khi phải đầu tư tiền thuê người hái chè từ 1.500 - 2.000 đồng/kg và 1.400 đồng tiền công đốn, cày, bón phân...”.
Bà M và bà L ở Đội 21 cùng chung nỗi niềm: Mang tiếng là công nhân nhưng ngày lễ, tết chẳng thấy công ty thăm hỏi hay tặng quà, trong khi có hoạt động gì là bổ đầu công nhân bắt đóng góp... Bây giờ công nhân chè xin nghỉ hưu non. Nhà nào cũng phải làm thêm nghề tay trái để chờ sổ hưu... Những người làm chè ở đây còn cho biết, họ phải tự lấy tiền bán chè đóng các loại tiền bảo hiểm hàng tháng theo bậc lương.
“Không có gì phải bức xúc” (?!)
Theo Luật Bảo hiểm Xã hội, công nhân, người lao động tham gia làm việc với một đơn vị từ 3 tháng trở lên đều được tham gia các loại bảo hiểm (y tế, xã hội, thất nghiệp) theo nguyên tắc người lao động và người sử dụng lao động cùng chi trả.
Để làm rõ những vấn đề mà công nhân phản ánh, NTNN đã gặp ông Vũ Ngọc Sang - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Than Uyên. Ông Sang khẳng định: “Người lao động nói như vậy là không sai nhưng cũng chưa đúng. Không thể nói rằng người công nhân trồng và chế biến chè mà không sống được bằng tiền lương, thu nhập từ chè” (?!).
Tiếp tục làm việc với ông Tăng Hồng Hải - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty cổ phần Chè Than Uyên, câu trả lời mà chúng tôi nhận được là: “Việc người công nhân tự nộp các loại tiền bảo hiểm cũng không có gì bức xúc cả. Chúng tôi đã tính toán và bù tiền bảo hiểm vào giá thu mua chè. Ngoài ra chúng tôi còn có chế độ bồi dưỡng ăn ca, mua bảo hộ lao động, phụ cấp độc hại cho công nhân chế biến. Như vậy có thể nói rằng công ty hết sức chăm lo cho đời sống công nhân”.
Thực tế, chỉ làm một con tính nhẩm cũng thấy rằng người công nhân ở đây đang rất khốn đốn. Một tấn chè búp tươi làm ra họ được công ty trả 3,3 triệu đồng, trong đó đã mất 1,1 triệu đồng chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu. Trong 2,2 triệu đồng còn lại họ còn phải trả từ 1,5 - 2 triệu đồng tiền thuê nhân công thu hái. Số tiền 200 - 700 nghìn đồng còn lại phải chi để đóng các loại bảo hiểm, tiền cày, tiền phun thuốc, thuê đốn, mua sọt, quần áo bảo hộ… chắc cũng không đủ.
Kiều Thiện - Vũ Ngọc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.