Sau 13 năm triển khai thực hiện, dự án đã cơ bản hoàn tất các gói thầu, hạng mục, bàn giao và đưa vào vận hành thương mại ổn định 100% công suất thiết kế, cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn quốc tế. Năng lực sản xuất hiện nay của nhà máy đáp ứng được 30% nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước.
|
Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. |
Đến tháng 9-2010, công tác quyết toán Dự án cơ bản hoàn thành, hiện còn khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng đang thực hiện quyết toán (tương đương 2,9% tổng mức đầu tư). Bộ trưởng Hoàng khẳng định: “Dự kiến giá trị quyết toán nằm trong tổng mức đầu tư được duyệt. Công tác quyết toán sẽ hoàn thành vào tháng 12-2010 và Chính phủ sẽ có báo cáo Quốc hội”. Theo báo cáo mới đây, doanh thu từ ngày bàn giao nhà máy đến nay đạt trên 25.000 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Quốc hội, bên cạnh những thành công như trên, dự án vẫn còn một số hạn chế cần rút kinh nghiệm. Như dự án đã chậm tiến độ đến... 9 năm so với Nghị quyết số 07/1997/QH10 của Quốc hội khóa X. Vậy nhưng báo cáo chưa làm rõ vì sao lại có sự chậm trễ như vậy. Cũng báo cáo này khẳng định, dù nhà máy đã đưa vào hoạt động với 100% công suất, nhưng vẫn còn một số tồn tại về kỹ thuật. Công tác di dân, tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn cần được quan tâm và tiếp tục xử lý...
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Đặng Vũ Minh trình bày cũng nêu rõ: So với các công trình quan trọng quốc gia khác thì đây là dự án có tốc độ quyết toán vào loại nhanh. Nhưng hiện nay chủ đầu tư và nhà thầu vẫn còn một số hạng mục cần thanh quyết toán, kiểm tra theo quy định. Việc huy động nguồn nhân lực và thu xếp tài chính cho dự án chưa đáp ứng được với yêu cầu trong từng giải đoạn triển khai cụ thể.
Quốc Huy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.