Công ty CPVTNN Thừa Thiên-Huế: Phát triển gắn với bảo vệ môi trường

Xuân Hồng Thứ tư, ngày 19/12/2018 15:20 PM (GMT+7)
Những năm qua, trong quá trình phát triển, Công ty cổ phần Vật tư nông  nghiệp (CPVTNN) Thừa Thiên - Huế luôn chú trọng và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. 
Bình luận 0

Coi trọng bảo vệ môi trường

Công ty CPVTNN Thừa Thiên - Huế thành lập từ năm 1989, được cổ phần hóa và đi vào hoạt động theo mô hình mới từ tháng 1.2006. Hiện doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực: Sản xuất, cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất trang trại, kinh doanh xăng dầu, cung cấp dịch vụ ăn uống, khách sạn... trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và các vùng phụ cận.

img

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên - Huế.    Ảnh: X.H

Với việc coi bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua Công ty CPVTNN Thừa Thiên - Huế luôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt, đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đều đặn 6 tháng một lần, công ty tiến hành lập báo cáo giám sát chất lượng môi trường các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo giám sát chất lượng môi trường mới nhất tại mỏ than bùn trầm Đức Tích - Triều Dương (xã Phong Hòa và xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) của công ty, mẫu nước thải có các chỉ số pH, COD, TSS, tổng nitơ, tổng photpho, Fe, tổng dầu mỡ khoáng đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 40:2011/BTNMT. Với mẫu nước mặt, hầu hết các chỉ tiêu đo đạc, phân tích như pH, DO, NO3-, tổng dầu mỡ, T.Coliform… cũng đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Cùng với đó, các chỉ tiêu đo đạc, phân tích đối với mẫu nước ngầm, chất lượng môi trường không khí, tiếng ồn và độ rung đều nằm trong giới hạn cho phép.

img

Trụ sở Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên - Huế.   Ảnh: X.H

Các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... của công ty không chỉ chiếm hầu hết thị phần ở tỉnh mà còn được ưa chuộng, tin dùng ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và ở cả nước bạn Lào.

Đối với Nhà máy Phân lân hữu cơ sinh học Sông Hương cơ sở 1 và cơ sở 2, Nhà hàng 27, cửa hàng xăng dầu 27 của Công ty CPVTNN Thừa Thiên - Huế, báo cáo giám sát chất lượng môi trường cho thấy các thông số về chất lượng nước thải, nước ngầm, môi trường không khí, tiếng ồn, độ rung đều nằm trong giới hạn cho phép.

Với dự án cải tạo phục hồi môi trường mỏ than bùn trầm Đức Tích - Triều Dương, xã Phong Hòa và Phong Hiền (huyện Phong Điền), hàng năm công ty đều ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Như ngày 30.1.2018, công ty ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường lần thứ 10/22 - năm 2018 đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại đây vào tài khoản ký quỹ của Quỹ Bảo vệ môi trường Thừa Thiên - Huế với tổng số tiền gần 20 triệu đồng.

Ông Trần Thuyên - Giám đốc Công ty CPVTNN Thừa Thiên - Huế cho biết, để hạn chế thấp nhất những tác động xấu đến môi trường, công ty luôn cam kết thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong bản cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Hết mình vì cộng đồng

Với phương châm vì một nền nông nghiệp xanh, ngay từ đầu Công ty  CPVTNN Thừa Thiên - Huế đã tập trung đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm phân bón NPK “Bông lúa”, phân hữu cơ sinh học “Sông Hương” trên nền tảng than bùn tự nhiên theo công nghệ mới. Hàng năm, công ty cung cấp hơn 80.000 tấn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... của công ty không chỉ chiếm hầu hết thị phần ở tỉnh mà còn được ưa chuộng, tin dùng ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và ở cả nước bạn Lào.

Công ty luôn chú trọng đầu tư theo hướng bám sát chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của Thừa Thiên - Huế, như dự án đầu tư vùng nguyên liệu cây công nghiệp (cao su, cà phê, lạc...) phục vụ cho các nhà máy chế biến nông sản. Bên cạnh đó, công ty vẫn duy trì chủ trương trợ giá, trợ cước của nhà nước và tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong khu vực miền núi nhằm ổn định đầu ra...

Giám đốc Trần Thuyên cũng cho hay, công tác chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất luôn được công ty quan tâm đặc biệt với việc tổ chức hàng trăm lượt hội thảo, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.

Ông Trần Đức Tôn - Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: Trong quá trình hoạt động, công ty luôn lắng nghe ý kiến của người dân, đảm bảo sự hài hòa trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với lợi ích của địa phương. Với sứ mệnh phục vụ người dân, phục vụ thị trường bằng cái “tâm”, công ty đã cho ra những sản phẩm tốt, sạch nhất cho người tiêu dùng.

“Hiện doanh thu mỗi năm của công ty lên đến 800 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 500 lao động có thu nhập ngày càng cao. Cùng với đó, chúng tôi luôn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội. Vừa qua, công ty phối hợp với một doanh nghiệp dầu khí tài trợ 2 tỷ đồng cho trường mẫu giáo ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền… Nhiều năm liền công ty được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh và các hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý, như Cúp Vàng vì sự nghiệp xanh, Cúp Vàng nông nghiệp...” - ông Trần Đức Tôn cho hay.

Với sứ mệnh phục vụ người dân, phục vụ thị trường bằng cái “tâm”, công ty đã cho ra những sản phẩm tốt, sạch nhất cho người tiêu dùng”.

Ông Trần Đức Tôn - Phó Giám đốc Công ty

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem