Công ty Tuần Châu Hà Nội lên tiếng phản bác luận điểm của ĐD Việt Tú

Huy Hoàng Chủ nhật, ngày 12/08/2018 18:10 PM (GMT+7)
Chiều ngày 12.8, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo – TAT Law Firm, đại diện pháp lý công ty Tuần Châu Hà Nội đã chia sẻ thông tin với Dân Việt xung quanh vụ tranh chấp về vở "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam" với Công ty DS của đạo diễn Việt Tú.
Bình luận 0

Theo đó, trước thông tin họp báo chiều ngày 10.8 của đạo diễn Việt Tú với những diễn biến mới của vụ tranh chấp đó là Toà Án Nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức thụ lý yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phẩn Tổng hợp Truyền Thông DS (“Công ty DS”) yêu cầu Công ty Tuần Châu Hà Nội bồi thưởng tổng thiệt hại với số tiền hơn 7 tỷ đồng.

img

Đạo diễn cho biết, Công ty Tuần Châu Hà Nội đã không cung cấp video của hai vở "Tinh hoa Bắc Bộ" và "Ngày Xưa", dù Toà án đã nhiều lần yêu cầu. Đồng thời đạo diễn Việt Tú đã đưa ra đoạn clip so sánh sự giống nhau giữa hai vở diễn "Ngày Xưa" (hay còn gọi là "Thủa ấy xứ Đoài") và "Tinh hoa Bắc Bộ".

Theo đạo diễn Việt Tú, đoạn video mà anh cung cấp cho báo chí là của một độc giả đã đã livestream vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" lên mạng xã hội. Kết hợp với những hình ảnh còn lưu trữ lại được của "Ngày Xưa”.

“Có thể khẳng định "Tinh hoa Bắc Bộ" đã sao chép toàn bộ ý tưởng của "Ngày Xưa", từ sao chép tổ hợp động tác tới bố trí bối cảnh, trang phục, đạo cụ, sử dụng đường tuyến di chuyển, phân bổ diễn viên, sánh sáng…

Đặc biệt, toàn bộ phần múa rối nước của tôi đã bị sử dụng lại, cùng với bản quyền phối khí âm nhạc cho phân đoạn đó. Đây là bản phối thuộc sở hữu của Nhà hát múa rối nước Thăng Long Hà Nội. Sau khi xin phép Nguyên cựu Giám đốc Lê Văn Ngọ, tôi mới được sử dụng bản nhạc này cho phần múa rối nước trong "Ngày Xưa"”, đạo diễn Việt Tú cho biết.

img

Trước thông tin này từ phía đạo diễn Việt Tú, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo – TAT Law Firm, đại diện pháp lý công ty Tuần Châu Hà Nội xác nhận, hiện nay Tòa án nhân dân Tp. Hà Nội đang giải quyết vụ án mà Công ty Tuần Châu Hà Nội được xác định là nguyên đơn, khởi kiện công ty DS do đạo diễn Việt Tú làm Tổng giám đốc.

Liên quan đến những hình ảnh so sánh giữa hai vở “Ngày xưa” và “Tinh hoa Bắc Bộ” được phía đạo diễn Việt Tú cùng công ty DS đưa ra mới đây và xem đó là chứng cứ cho thấy “Tinh hoa Bắc Bộ” được xây dựng, kế thừa dựa trên nền tảng đã có trước đó của “Ngày xưa”, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cho biết, hiện chị chưa thấy những “chứng cứ” này nên chưa thể kết luận về tính hợp pháp của chúng.

Tuy nhiên, đại diện pháp lý của công ty Tuần Châu Hà Nội chia sẻ, đạo diễn Việt Tú hoàn toàn có thể cung cấp cho tòa những gì anh xem là chứng cứ. Tuy nhiên, việc xác định chứng cứ đó có hợp pháp không, có giá trị pháp lý trong vụ kiện hay không sẽ do Tòa phán xét bằng một bản án có hiệu lực.

Về thông tin công ty Tuần Châu Hà Nội không chịu cung cấp video của hai vở thực cảnh “Ngày xưa” và “Tinh hoa Bắc Bộ” theo yêu cầu của Tòa để phục vụ cho việc giải quyết vụ kiện, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo khẳng định, cho đến thời điểm này phía Tuần Châu Hà Nội chưa nhận được bất cứ văn bản nào của Tòa yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ nên việc đạo diễn Việt Tú đưa ra thông tin trên là không có cơ sở.

Về nguyên tắc của Tòa án dân sự thì nguyên đơn (trong vụ kiện này là công ty Tuần Châu Hà Nội) có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình. Cụ thể, nghĩa vụ của nguyên đơn là tự chứng minh chứng cứ và Tòa án sẽ xem xét chứng cứ này có hợp pháp và có giá trị thuyết phục cho yêu cầu khởi kiện của mình hay không để Tòa án phân xử.

“Hiện nay tôi là đại diện theo ủy quyền của công ty Tuần Châu Hà Nội, tôi chưa nhận được thông báo nào từ Tòa về việc yêu cầu cung cấp chứng cứ thì đạo diễn Việt Tú có cơ sở nào để nói?” – luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo nói thêm.

Trước thông tin đạo diễn Việt Tú cho rằng, năm 2009, anh đã nộp tài liệu cho Cục bản quyền và Toà Án, trong tài liệu này ghi dấu ngày ra kịch bản "Hồn rối, mặt người", đó là tiền thân của vở diễn “Ngày xưa”. Năm 2010 bắt đầu viết kịch bản cho vở thực cảnh “Ngày xưa”, theo đạo diễn điều này có nghĩa là vở diễn đã được ra đời trước thời điểm ký hợp đồng với bên Công ty Tuần Châu Hà Nội.

Theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, trong phạm trù sáng tạo nghệ thuật, rất khó xác định ai có ý tưởng trước, ai nghĩ ra trước. Việc xác định này phải dựa trên việc ý tưởng đó phải được đăng ký và xác nhận ở một cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.

“Ý tưởng thì trên thế giới có nhiều lắm, không riêng gì Việt Tú hay ai. Ví dụ, ý tưởng dàn dựng vở thực cảnh trên nước có từ hồi xưa rồi, gần đây nhất là ở Trung Quốc, nên nói ý tưởng đó thuộc về ai thì chưa thể xác định được. Còn theo pháp luật Việt Nam, mọi vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ đều được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận thì mới có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt” – đại diện pháp lý của công ty Tuần Châu Hà Nội chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem