Công vụ và nước mắt trẻ thơ

Đào Tuấn Thứ tư, ngày 20/08/2014 05:08 AM (GMT+7)
Vụ bắt 2 đứa trẻ lên ô tô như bắt thú, hôm qua đã có được một lời giải thích từ người có trách nhiệm. 
Bình luận 0

Một quan chức của Sở LĐTBXH TP.Hà Nội xác nhận câu chuyện: “Nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội làm nhiệm vụ, có tác phong và ăn mặc không phù hợp. Hơn nữa, lúc đó 3 trường hợp cũng có biểu hiện không chấp hành nên họ mới phải cưỡng chế đưa lên xe, khiến 2 em nhỏ gào khóc. Sự việc như vậy khiến người dân cảm thấy phản cảm và có những phản ứng”. Và ông hứa hẹn sẽ yêu cầu rút kinh nghiệm cho lần sau để “đưa được đối tượng lang thang ăn xin về trung tâm nhưng không gây phản cảm”.

Nhắc lại là chỉ vừa hôm trước, khi những người tự xưng của Trung tâm Bảo trợ xã hội, “ăn mặc như lũ du côn” xông vào “bắt cóc” đưa lên xe 1 người đàn ông và 2 đứa trẻ con, người dân đã quyết liệt ngăn cản, thậm chí “báo công an”.

“Ăn mặc như lũ du côn”, “bắt cóc” là những từ ngữ mà chính họ đã mô tả lại. Và rõ ràng họ đã không lầm trước cách thức thực thi công vụ y hệt như một vụ bắt cóc. Thật phiền cho một thủ đô nhan nhản người ăn xin, lang thang. Nhưng cũng thật buồn cho cách thức ứng xử với tầng lớp những người dưới đáy xã hội của những nhân viên công lực.

Có người nói “Nếu sợ tiêm đau thì không bao giờ khỏi bệnh”, nếu không “bắt” những người lang thang ăn xin thì không bao giờ có một thủ đô văn minh. Điều đó vừa đúng vừa sai. Bởi bản chất của Trung tâm Bảo trợ xã hội cũng như hoạt động thu gom người lang thang ăn xin là nhằm giúp đỡ chứ không phải trừng trị. Nhưng liệu có điều thiện nào được làm theo cái cách giống y như việc người ta truy bắt những con chó hoang? Có điều thiện nào được thực hiện từ những người cho phép mình mặc áo lót ra đường bắt người và vô cảm với những tiếng khóc xé lòng của những đứa trẻ con.

Phải rồi, “Mọi cái vĩ đại đều vô nghĩa, nếu làm rơi một giọt nước mắt của trẻ thơ vô tội".

Còn “Một thành phố văn minh” ư? Thành phố ấy chỉ tồn tại trong một xã hội mà người dân được giúp đỡ để không còn phải khốn khổ, vật vã với cái việc tối thiểu là kiếm miếng bỏ miệng. Sự phản cảm, vì thế, phải là sự đói rách khốn khổ của không ít đồng bào, chứ không phải vẻ hào nhoáng của những dòng báo cáo không còn ăn xin, bán tăm vỉa hè...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem