Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3.2017 tăng 0,21% so với tháng trước, trong đó 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng gồm: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 7,51% (dịch vụ y tế tăng 9,86%); trong tháng 3 cũng có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (tác động làm CPI tăng khoảng 0,38%).
Nhóm giáo dục tăng 0,75% (dịch vụ giá dục tăng 0,87% do trong tháng tỉnh Thanh Hóa thực hiện lộ trình tăng học phí. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5% (giá vật liệu xây dựng tăng 0,53%; giá nước sinh hoạt tăng 0,43%; giá điện sinh hoạt tăng 0,26%). Nhóm giao thông tăng 0,39% chủ yếu do ảnh hưởng của lần điều chỉnh giá xăng dầu tăng tại thời điểm 18.2 (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,04%).
Nhóm thiết bị và đồ gia đình tăng 0,06%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,04%...Trong khi đó, các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giảm như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,87% (lương thực tăng 0,16%, thực phẩm giảm 1,22%); may mặc, mũ, nón, giày dép giả 0,12%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,2%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 3.2017 không đổi so với tháng trước và tăng 1,60% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quâ 3 tháng đầu năm 2017 tăng 1,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Đại diện Bộ KHĐT cũng cho biết, trong 9 tháng còn lại, áp lực tăng trưởng GDP 6,7% như mục tiêu của Chính phủ đề ra là rất khó khăn do các tháng còn lại yếu tố thuận lợi ít hơn khó khăn. Áp lực về lạp phát cũng rất lớn, nếu như Chính phủ tăng giá điện thêm 5 – 7% sẽ càng làm cho những áp lực này cao hơn. Hiện tổng cục Thống kê đã có công cụ đánh giá tác động của các yếu tố đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Khi có các tính toán cụ thể về tăng giá điện, Tổng cục Thống kê sẽ có báo cáo và tham vấn cho Chính phủ, các bộ ngành để cân nhắc việc tăng giá điện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.