Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định: Tôi không biết các cơ quan chức năng công bố CPI giảm và chỉ tăng nhẹ 2 tháng qua dựa trên các tính toán như thế nào, nhưng ở khu vực phía Nam, các siêu thị, cửa hàng tiện ích... đã nhận được thông báo tăng giá từ nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng, với mức tăng từ 10-15%. Miền Bắc thường điều chỉnh giá chậm hơn phía Nam khoảng 15 ngày. Các tỉnh miền Bắc chỉ tự đáp ứng được khoảng 30% các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, còn khoảng 70% nhập từ các tỉnh phía Nam. Vì vậy, việc yêu cầu tăng giá ở phía Nam sẽ khó tránh việc phía Bắc phải tăng giá theo.
|
Chỉ số CPI giảm trong 2 tháng qua nhưng giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng. |
Theo ông Phú, lâu nay việc tăng giá chỉ được giải thích qua loa là đang lỗ và giá cứ thế tăng, từ các mặt hàng chiến lược như điện, than, xăng dầu cho đến mớ rau, con cá... Thực tế, người dân đang thấy CPI giảm nhưng không thực tế, vì họ vẫn thấy giá cả hàng hóa hàng ngày họ chi tiêu không giảm và thậm chí còn tăng lên. Chỉ cách đây 1 tuần, giá thịt bò lại tiếp tục tăng từ mức 270.000 đồng/kg (thịt bò thăn) lên 280.000 đồng/kg, giá hải sản cũng nhích lên, nhất là tôm; duy chỉ có giá thịt lợn, gà vẫn đứng. Giá hầu hết các loại rau củ cũng đã tăng từ 10-15%...
“Lạm phát thấp đang đi kèm với thất nghiệp, sức mua yếu, tồn kho hàng hóa lớn, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút và bao trùm tâm lý lo lắng... Đây là điều hết sức lo ngại hiện nay”- chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ.
Trong bối cảnh này, quan điểm của bà Lan là phải khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp và tạo niềm tin cho xã hội. “Các giải pháp khoan sức doanh nghiệp như dãn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất... phải được thực hiện công bằng, minh bạch. Với khoan sức dân, thì giải pháp có thể làm ngay được lúc này là giảm ngay thuế VAT cho dân, từ 10% xuống mức 5%.
Nhiều chuyên gia còn cảnh báo, lạm phát sẽ tăng mạnh trở lại trong cuối quý II, bởi nhiều dịch vụ như vận tải, y tế, giáo dục đang rục rịch tăng giá; giá một số mặt hàng độc quyền như than, điện... cũng đang ở thế sẽ tăng. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, công bố CPI giảm, nhưng thực chất so với thu nhập của người dân thì mức giá như hiện nay vẫn còn quá đắt đỏ, điều này cũng được phản ánh qua sức mua rất thấp trên thị trường. Sự giảm giá không phải nhờ ở cải thiện về năng suất lao động mà chủ yếu là do dư thừa hàng hóa so với nhu cầu.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.