CPI tháng 6 tăng thấp: Lo ngại tăng giá điện, nước, xăng dầu...

Thứ ba, ngày 25/06/2013 06:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng thấp đang gây lo lắng cho người dân về các “kịch bản” tăng giá điện, nước, xăng dầu... bắt đầu được áp dụng.
Bình luận 0

Ế ẩm khiến giá giảm...

Hôm qua (24.6), Tổng cục Thống kê đã công bố CPI tháng 6.2013 chỉ tăng nhẹ ở mức 0,05% so với tháng trước và tăng 6,69% so với tháng 6.2012. Như vậy, CPI 6 tháng qua tăng 2,4% so với tháng 12.2012 và tăng 6,73% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.

img
CPI tháng 6 tại nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm 0,08% (ảnh minh họa).

CPI tháng 6 đã tăng ở 9/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung, với mức tăng từ 0,42-0,02%. Theo ông Vũ Vinh Phú-Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì sức mua của người dân vẫn yếu, do đó nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục giảm giá. Cụ thể, CPI tháng 6 tại nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm 0,08%.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Trần Thị Hằng, trong rổ hàng hóa tháng này có nhiều mặt hàng tăng giá, nhưng do quyền số thấp nên tác động đến CPI không đáng kể. Trong khi mặt hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm quyền số cao lại giảm giá đã khiến CPI chung chỉ tăng nhẹ. Bà Hằng cũng nhìn nhận: Nguyên nhân mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm giá trong tháng này do nguồn cung khá dồi dào và ổn định song một phần do người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn.

CPI tháng này tăng nhẹ có thể coi là một tín hiệu tích cực trong nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ trong thời gian qua. Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng, thực tế lĩnh vực tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho vẫn còn khó khăn do cầu yếu. Bên cạnh đó những giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cũng cần có thời gian để tác động.

Lo tăng giá nhiều mặt hàng

CPI tháng 6 được công bố đúng lúc kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc. Người dân có lý để lo ngại đây là thời điểm rất dễ để những quyết định hành chính liên quan đến giá cả được ban hành như đã từng xảy ra, làm tăng thêm rủi ro lạm phát ngay trong những tháng tới.

Vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng nhận định: Khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá thành sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng, từ đó cũng tác động tích cực đến sản xuất...

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu “quay lưng” với CPI lúc này sẽ rất nguy hiểm, bởi lạm phát có thể tăng mạnh trở lại bất cứ lúc nào nếu giá điện, nước được điều chỉnh ngay trong tháng tới... Thực tế, các kịch bản tăng giá điện, nước đã được chuẩn bị và có thể được áp dụng từ đầu tháng tới. Giá xăng dầu cũng vừa được điều chỉnh tăng. Chưa kể, các kịch bản khác về tăng giá học phí, viện phí... dự kiến cũng sẽ được áp dụng. “Trong bối cảnh nền kinh tế chưa được cải thiện; sức của người dân, doanh nghiệp còn yếu thì các kịch bản tăng giá này được coi là những cú sốc với người sản xuất, tiêu dùng và cả nền kinh tế”- chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, CPI cả năm 2013 sẽ chỉ ở mức khoảng 7% và mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức dưới 8% đề ra là thực hiện được nếu việc điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục... theo đúng lộ trình, tránh tình trạng nhiều mặt hàng tăng giá cùng lúc sẽ tạo ra các tác động bất lợi lên CPI. “Chính phủ và các bộ, ngành nên cân nhắc mức độ và tốc độ tăng giá của các mặt hàng thiết yếu. Dù thời điểm nào thì việc quyết định tăng giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân và sự phục hồi của doanh nghiệp, của nền kinh tế”-chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nhận xét. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem