Crimea chính thức thành lãnh thổ của Nga

Thứ tư, ngày 19/03/2014 04:19 AM (GMT+7)
Vài phút sau khi Tổng thống Putin ký kết hiệp ước với các lãnh đạo Crimea, điện Kremlin tuyên bố: “Cộng hòa Crimea chính thức được coi là một phần của Nga kể từ ngày ký hiệp ước”.
Bình luận 0
Ngày 18.3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai lãnh đạo Crimea đã đặt bút ký vào hiệp ước sáp nhập bán đảo Biển Đen vào Liên bang Nga. Ông Putin phát biểu rằng Crimea “đã và sẽ mãi mãi là một phần không thể tách rời của Nga”.

Vài phút sau khi Tổng thống Putin ký kết hiệp ước với các lãnh đạo Crimea, điện Kremlin tuyên bố: “Cộng hòa Crimea chính thức được coi là một phần của Nga kể từ ngày ký hiệp ước”.

“Không khôn ngoan”

Simon Tisdall – một nhà báo Mỹ chuyên trách theo dõi tin Nhà Trắng- bình luận, Mỹ và phương Tây đã “không khôn ngoan” khi vội vàng tuyên bố “không chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea”. Theo ông Tisdall, dù Mỹ và phương Tây có nói gì đi nữa, thì việc đại đa số dân chúng Crimea đã bỏ phiếu ủng hộ gia nhập Nga đã cho thấy nguyện vọng của họ là có thật. Và bất cứ sự phản đối nào trong thời điểm này, đều ngược lại với nguyện vọng của người dân Crimea. Cùng với những tuyên bố bác bỏ kết quả trưng cầu dân ý, Mỹ và phương Tây đã nhanh chóng đưa ra những biện pháp trừng phạt Nga.

Một người đàn ông ở Crimea cầm cờ Nga ở Quảng trường Lê Nin tại Simferopol.
Một người đàn ông ở Crimea cầm cờ Nga ở Quảng trường Lê Nin tại Simferopol.

Tổng thống Obama thông báo đã ra lệnh cấm ra vào Mỹ và phong tỏa các tài sản ở Mỹ đối với 11 quan chức của Nga và Ukraine mà Washington coi là có trách nhiệm gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine, trong đó có 2 cố vấn cấp cao nhất của Tổng thống Putin. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng đây là các biện pháp trừng phạt rộng rãi nhất mà Mỹ từng áp đặt đối với Nga. Tuy nhiên, một số nghị sĩ Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng các biện pháp trên đây là chưa đủ mạnh.

Tổng thống Mỹ cho biết, nước này sẵn sàng áp đặt thêm lệnh trừng phạt tùy vào việc Nga có làm tăng căng thẳng ở Ukraine hay không. Ông Obama cũng cảnh báo nếu Nga tiếp tục can thiệp vào Ukraine, thì "Nga sẽ không được gì ngoài sự cô lập”.

Trong khi đó, các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đồng ý áp đặt các biện pháp chế tài, trong đó có lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản của 21 quan chức Nga và Ukraine. Tên 21 quan chức chưa được tiết lộ, nhưng họ bị EU xem là đóng vai trò chính trong cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea. EU cũng cho biết, sẽ tiếp tục có những biện pháp “mạnh tay” hơn trong vài ngày tới.

Mất mát mang tính biểu tượng?


Tuy nhiên, vấn đề là trong bối cảnh toàn cầu hóa cao độ như hiện nay, quan hệ kinh tế giữa Nga và châu Âu đều có sự ràng buộc nhất định. Nếu Nga xuất hiện vấn đề, châu Âu cũng không thể hoàn toàn ở thế hưởng lợi mà cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí còn làm kinh tế toàn cầu đổ vỡ.

Xuất khẩu của châu Âu vào Nga trong năm 2012 đạt hơn 170 tỷ USD và châu Âu đang lệ thuộc năng lượng vào Nga: 30% khí đốt tự nhiên mà châu Âu cần là do Nga cung cấp. Sự thật là EU chỉ có thể gây sức ép thực sự với Kremlin nếu sẵn sàng chấp nhận thiệt hại với chính mình. Đây là điều khó khăn khi nhiều nước châu Âu đang chật vật để tăng trưởng kinh tế trở lại.

Bà Helene Blanc - chuyên gia của Pháp nghiên cứu về Nga nhận định, các biện pháp trừng phạt của phương Tây, như ngừng cấp giấy nhập cảnh, phong tỏa tài sản Nga, không làm cho ông Putin lo ngại, nhưng nếu các biện pháp trừng phạt kéo dài, thì kinh tế Nga có thể bị suy yếu và Kremlin bị cô lập.

Cũng theo chuyên gia này, việc Crimea về với Nga là một mất mát mang tính biểu tượng đối với Ukraine trong việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Theo lý giải của chuyên gia Blanc, Ukraine bị mất đi 27.000km2 diện tích với 2 triệu dân và lối đi ra Biển Đen. Cho đến nay, bán đảo Crimea sống chủ yếu dựa vào du lịch, do vậy, Ukraine không chịu tổn thất lớn về kinh tế. Đồng thời, đây cũng là một thất bại về ngoại giao của phương Tây.

Chuyên gia Blanc bình luận, Tổng thống Putin bỏ ngoài tai mọi lời kêu gọi của phương Tây và tùy theo từng đối tác, ông có ứng xử khác nhau. Hậu quả là Nga và phương Tây hoàn toàn không hiểu nhau nữa.

Chuyên gia Blanc đánh giá: “Người Nga là những kỳ thủ tuyệt vời, họ dự ứng trước tất cả các nước đi của đối thủ và không lộ ra chiến lược của mình".

Một số thay đổi ở Crimea


Theo báo Washington Post, đầu tiên chính quyền Crimea thông báo phía Nga sẽ trả lương hưu cho người dân Crimea. Mức lương hưu mới 270 USD/ tháng, cao hơn mức 150 USD của Ukraine. Từ năm 2015, người Crimea sẽ được phép xin học tại các trường đại học Nga mà không cần thi đầu vào.


Tất cả người gốc Nga ở Crimea sẽ được cấp hộ chiếu Nga. Những người chọn giữ hộ chiếu Ukraine sẽ không bị ép phải rời đi nhưng không được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Chính quyền Crimea cho biết các binh sĩ Ukraine đóng tại bán đảo này sẽ có 2 sự lựa chọn, hoặc gia nhập quân đội Nga hoặc bị trục xuất về Ukraine. Những người xin gia nhập quân đội Nga sẽ được hưởng mức lương hưu 600 USD/tháng, cao hơn mức 240 USD/tháng của Ukraine.


Người dân sẽ phải đăng ký lại nhà cửa, xe ôtô và các loại tài sản có giá trị khác trước khi đem bán…


Quang Minh - Mai Dũng (Quang Minh - Mai Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem