Crimea về Nga và “cái giá” phải trả

Thứ ba, ngày 18/03/2014 06:56 AM (GMT+7)
TS Nguyễn Cảnh Toàn - chuyên gia nghiên cứu về Nga và các nước SNG thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu đã có những phân tích về các diễn biến mới nhất tại Crimea.
Bình luận 0
TS Nguyễn Cảnh Toàn - chuyên gia nghiên cứu về Nga và các nước SNG thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu.
TS Nguyễn Cảnh Toàn - chuyên gia nghiên cứu về Nga và các nước SNG thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu.

“Gần như chắc chắn, Nga sẽ đồng ý tiếp nhận Crimea theo như nguyện vọng của đa số người dân Crimea trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16.3. Tuy nhiên, bất cứ việc làm nào đều có giá của nó…” - TS Nguyễn Cảnh Toàn - chuyên gia nghiên cứu về Nga và các nước SNG thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu, nhận định.

Gánh nặng kinh tế

Nghị viện khu vực Crimea ngày 17.3 đã tuyên bố độc lập khỏi Ukraine và đệ đơn xin sáp nhập vào Nga, đồng thời khẳng định rằng toàn bộ tài sản của Nhà nước Ukraine trên bán đảo này sẽ được quốc hữu hóa.

Một ngày sau khi Crimea tiến hành trưng cầu dân ý về việc ly khai và sáp nhập vào Nga với kết quả kiểm phiếu là 96,77% số người bỏ phiếu tán thành sáp nhập Nga, nghị viện Crimea thông qua văn kiện nêu rõ: “Cộng hòa Crimea kêu gọi Liên Hợp Quốc và tất cả các quốc gia trên thế giới công nhận vùng lãnh thổ này là một nhà nước độc lập”. Bên cạnh đó, nghị viện Crimea còn “đề nghị Liên bang Nga công nhận Cộng hòa Crimea là một chủ thể mới với quy chế cộng hòa”.

Trong ngày 17.3, một phái đoàn nghị viện Crimea được cử tới Nga để thảo luận về các thủ tục cần thiết để bán đảo trên Biển Đen này trở thành một phần của Liên bang Nga. Bình luận về kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea, chuyên gia Nguyễn Cảnh Toàn cho rằng đó là nguyện vọng của người dân Crimea, tuy nhiên, tiến trình đến quá nhanh và bất ngờ nên đã khiến phương Tây bị động.

Trả lời câu hỏi về việc liệu có chăng cái giá mà Nga sẽ phải trả về vấn đề Crimea, TS Nguyễn Cảnh Toàn cho rằng: “Bất cứ việc làm nào đều có cái giá của nó. Trong vấn đề Crimea, cái giá mà Nga dễ trả nhất đó là việc lo cuộc sống cho gần 2 triệu người Crimea. Việc đầu tiên là Nga phải cải tạo lại bộ máy, trang bị những cơ sở vật chất đã lỗi thời ở đây… Có thể nói, cái giá mà Nga phải trả cho việc sáp nhập Crimea là gánh nặng về kinh tế. Ngoài ra, Nga có thể sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Nhưng xét về lợi ích của Nga có được ở Crimea, thì cái giá dù phải trả nhưng Nga đã lựa chọn”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực của pháp lý quốc tế. Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea tương ứng đầy đủ với tiêu chí của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Các cư dân Crimea đã được đảm bảo khả năng tự do thể hiện ý chí và quyền tự quyết.

Người dân Crimea nhảy múa ăn mừng kết quả kiểm phiếu sáp nhập vào Nga.
Người dân Crimea nhảy múa ăn mừng kết quả kiểm phiếu sáp nhập vào Nga.

Khủng hoảng Ukraine vẫn còn

Với người dân Crimea, họ đã quyết định tương lai của mình bằng lá phiếu. Nhiều người đã đổ ra các quảng trường chính ăn mừng kết quả kiểm phiếu và hân hoan chờ đến ngày được “về nhà”.

Mỹ, phương Tây và Nhật Bản đã lên tiếng phản đối kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Crimea, đồng thời kêu gọi Nga đừng sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, ngày 17.3, Hãng tin Interfax dẫn lời Phó Chủ tịch Hạ viện Nga (Duma quốc gia Nga) Ivan Melnikov cho biết vào ngày 18.3 tới, Duma sẽ ra tuyên bố về việc ủng hộ các kết quả trưng cầu ý dân ở khu vực Crimea.

Ngày 17.3, ông Mikhail Malyshev - Chủ tịch Ủy ban thuộc Hội đồng tối cao Crimea về trưng cầu dân ý cho biết, sau khi kiểm 100% phiếu bầu, có khoảng 3,2% số người bỏ phiếu phản đối sáp nhập. Khoảng hơn 1% phiếu không hợp lệ.

Các quan sát viên quốc tế cũng ghi nhận rằng tại cuộc trưng cầu dân ý về quy chế của Crimea không có trường hợp vi phạm, đồng thời cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực của pháp lý quốc tế.

Trong động thái phản ứng đầu tiên sau khi Crimea bỏ phiếu nhất trí tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga, Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov ngày 17.3 đã chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý trên là một “màn hài kịch lớn”. Phát biểu trước Quốc hội, ông Turchynov nhấn mạnh rằng: “Sự gây hấn liên tục tại Crimea mà Nga đang cố tìm cách che đậy bằng màn hài kịch mà họ gọi là trưng cầu dân ý và nó sẽ không bao giờ được Ukraine và thế giới văn minh công nhận”.

TS Nguyễn Cảnh Toàn nhận định rằng, sáp nhập Crimea vào Nga không phải là giải pháp giải quyết khủng hoảng ở Ukraine, nhưng là bước đi chủ động, thể hiện vị thế và sức ảnh hưởng của Nga. TS Toàn đánh giá: “Trong vấn đề Crimea, rõ ràng Tổng thống Nga Putin đã rất chủ động và những bước đi của ông đều đã tính toán trước, đẩy Mỹ và phương Tây vào thế bị động, phải chứng kiến thực tế không như họ (phương Tây) mong muốn. Hành động tiếp theo của Nga sẽ phụ thuộc vào động thái của Ukraine và chính quyền phương Tây”.

TS Nguyễn Cảnh Toàn cũng cho rằng, giải pháp cuối cùng là “các nước lớn sẽ phải ngồi lại với nhau để thỏa hiệp, tìm ra một giải pháp để giải quyết khủng hoảng ở Ukraine”.
Đăng Thúy- Mai Dũng (Đăng Thúy- Mai Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem