Người dân bán đảo Crimea tham gia cuộc bỏ phiếu quyết định vận mệnh của mình.
Những cá nhân bị áp đặt lệnh trừng phạt là những người được cho là đóng vai trò quan trọng trong cuộc trưng cầu dân ý mà Kiev, Mỹ và Châu Âu đều cho là bất hợp pháp.
Động thái này xảy ra ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea được công bố với 97% người dân bỏ phiếu ủng hộ việc tách khỏi Ukraine và sát nhập vào Nga.
Được biết, Liên minh Châu Âu đã thông báo việc áp đặt lệnh trừng phạt lên 21 quan chức sau khi ngoại trưởng các nước nhóm họp tại Brussels. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lithuania - Linas Linkevic đã nói trên twitter rằng những biện pháp cứng rắn hơn nữa sẽ được thông báo trong vài ngày tới.
Mỹ cũng cho hay nước này đã nhắm tới mục tiêu tiếp theo là 7 người Nga, bao gồm các nhà làm luật và những quan chức cấp cao trong Chính phủ, cùng với 4 nhà lãnh đạo li khai của Crimea. Những người này nhiều khả năng sẽ phải chịu trừng phạt tài chính với lý do phá hoại “tiến trình dân chủ và các tổ chức ở Ukraine”.
Các quan chức kể trên bao gồm Sergei Aksyonov, thủ lĩnh hành động của Crimea; Dmitry Rogozin, một Phó Thủ tướng Nga; và Valentina Matviyenko, người đứng đầu Thượng viện trong Quốc hội Nga.
Danh sách những mục tiêu của lệnh trừng phạt đến từ Châu Âu sẽ không được công khai cho đến khi nó có hiệu lực, mà theo dự kiến muộn nhất là vào sáng Thứ Ba.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine - Andriy Deshchytsya đã bày tỏ thái độ ủng hộ đối với những quyết định của Châu Âu về việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với 21 quan chức người Nga và Ukraine. “Tôi nghĩ đó là một bước tiến trong việc vận động cộng đồng quốc tế và đối đầu với những quyết định vi phạm trật tự và luật pháp quốc tế của Nga”, ông Andriy Deshchytsya nói.
Chính phủ tại Kiev cũng đã thông báo không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.
Trước đó, Nga đã đề xuất thành lập một “nhóm liên lạc” quốc tế để làm trung gian trong cuộc khủng hoảng và tìm kiếm những sự thay đổi trong hiến pháp rồi từ đó có thể yêu cầu Ukraine duy trì quân sự và sự trung lập chính trị. Thế nhưng những nhà cầm quyền tại Kiev đã bác bỏ lời đề nghị và cho rằng đó là một ý kiến “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, theo lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Ukraine - Yevhen Perebynis.
Trong khi đó, Quốc hội tại Kiev cũng đã phê chuẩn việc huy động một phần trong 40.000 lính dự bị và cho hay họ vẫn đang theo dõi những tình hình mới tại biên giới phía Đông giáp với lãnh thổ nước Nga.
Vân Đài (theo BBC) (Vân Đài (theo BBC))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.