Mới đây Bộ Công an ban hành Thông tư 01 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT. Thông tư này có những điểm gì mới, khác so với Thông tư 65 ban hành năm 2012?
- Thông tư 01 không có nhiều điểm mới so với các thông tư trước đây. Có một số nội dung được điều chỉnh để đảm bảo thực hiện đúng thủ tục hành chính. Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt được đổi thành Cục CSGT. Một số nội dung được điều chỉnh để đảm bảo an toàn cho lực lượng thực thi công vụ và người tham gia giao thông.
Điểm mới nhất trong Thông tư 01 là CSGT có quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân của người ngồi trên phương tiện mà cảnh sát đang kiểm soát.
Trung tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền (Cục CSGT) trả lời phỏng vấn Zing.vn. Ảnh: Trung Phan
Ông đánh giá thế nào về điểm mới này?
- CSGT được phép dừng phương tiện khi phát hiện vi phạm bằng trực quan hoặc thực hiện chỉ đạo Cục trưởng CSGT, Trưởng phòng CSGT. Quyền được kiểm tra giấy tờ tùy thân người ngồi trên xe mới được bổ sung để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, người ngồi trên xe chỉ cần xuất trình CMND để chứng minh nhân thân. Trong Nghị định 167 quy định xử phạt về an ninh trật tự đã nêu rõ quy định xử phạt khi công dân không xuất trình được CMND theo yêu cầu.
Điều này phù hợp với luật cư trú. Việc xuất trình giấy tùy thân chứng minh anh là ai? Khi đó, cảnh sát sẽ đề phòng được các trường hợp tội phạm lẩn trốn truy nã, người nước ngoài gây mất trật tự xã hội, an toàn giao thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định CSGT được phép trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc... sẽ xảy ra tình trạng lạm dụng chức quyền của một số cán bộ?
- Quy định trên xuất phát từ các văn bản pháp luật Nhà nước, đặc biệt là Luật Công an nhân dân quy định chức năng quyền hạn của công an có quyền trưng dụng phương tiện của cá nhân, tổ chức để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự xã hội, an ninh trật tự giao thông nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trong những tình huống khẩn cấp, cảnh sát không có khả năng, không có phương tiện truy đuổi những đối tượng có hành vi gây nguy hiểm tới xã hội, thì buộc phải trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc của người dân.
CSGT chỉ được trưng dụng khi phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của lực lượng chức năng bị hỏng hóc, không thể phục vụ.
Nếu người dân phát hiện cán bộ nào lạm quyền, làm sai quy định có thể tố giác tới các đơn vị trực thuộc quản lý như đội trưởng, trưởng phòng CSGT các tỉnh, công an các cấp hoặc qua đường dây nóng, trang web của Cục CSGT.
Thông tư 01 không nêu rõ nếu phương tiện được trưng dụng hỏng hóc, thất lạc sẽ đền bù thế nào?
- Việc cán bộ trưng dụng phương tiện của người dân có quy định trong văn bản pháp luật khác. Nếu phương tiện bị hỏng hóc, mất mát, thiệt hại thì cơ quan thực hiện trưng dụng có trách nhiệm bồi thường theo quy định.
Ngoài ra, khi cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân thì tổ chức, cá nhân gây ra vụ việc cũng có trách nhiệm bồi thường tài sản cho người được trưng dụng tài sản. Thậm chí, trong các tình huống cấp thiết, cán bộ phải hy sinh lợi ích nhỏ để đạt được lợi ích lớn hơn.
Ví dụ, tình huống cứu người trong vụ hỏa hoạn, cảnh sát buộc phải phá tường, tìm mọi cách tiếp cận người gặp nạn. Khi đó, cảnh sát PCCC hoặc bất cứ cảnh sát nào ở hiện trường phải trưng dụng bất cứ tài sản nào của người dân gần nhất để phục vụ công tác cứu hộ.
Còn đối với CSGT, trong tình huống xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản. Cán bộ tuần tra, phát hiện không có phương tiện buộc phải trưng dụng ôtô người đi đường để đưa nạn nhân đi cấp cứu hoặc các thiết bị để cứu người gặp nạn.
CSGT phân luồng đảm bảo cho các phương tiện lưu thông.
Nhiều người lo ngại CSGT sẽ lạm dụng quy định trưng dụng phương tiện liên lạc để hủy bằng chứng không vi phạm khi bị dừng xe, ông nghĩ sao?
- Dù thiệt hại về vật chất hay tinh thần đều được pháp luật bảo vệ và có quy định rõ ràng. Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi cần thiết, cảnh sát có thể trưng dụng điện thoại để liên lạc cứu hộ. Nếu việc này khiến hình ảnh, clip hay tài liệu quan trọng hoặc cảnh sát lạm quyền hủy chứng cứ thì người này sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bằng chứng không chỉ là video, thực tế người chứng kiến có thể tố giác cán bộ vi phạm quy định gây thiệt hại tài sản của người dân. Khi đó, cán bộ điều tra sẽ thu thập thông tin từ nhân chứng, các dấu vết như vân tay và dùng các biện pháp khoa học hình sự để kết luận.
Hành vi xâm phạm vào thư tín, đời tư cũng là một tội danh trong quy định của luật hình sự. Cán bộ bị tố giác có thể bị kỷ luật hành chính hoặc xử lý hình sự tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Về quyền hạn của CSGT, khoản 2 điều 5 Thông tư 01 quy định: “Cán bộ xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác”. Vậy vi phạm trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác là gì?
- Ngoài nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, CSGT phải thực nhiệm nhiều chức năng khác. Theo quy định của pháp luật về nguyên tắc xử phạt hành chính có nguyên tắc: Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện, xử lý.
Không chỉ CSGT mà các lực lượng khác trong ngành đều có quyền xử lý các hành vi vi phạm khác không thuộc lĩnh vực của mình nhưng ở góc độ ghi nhận hiện trạng sự việc.
Ví dụ, CSGT phát hiện vi phạm an ninh trật tự, tội phạm ma túy, cướp giật phải có trách nhiệm ngăn chặn thiệt hại trực tiếp ảnh hưởng tới trật tự xã hội, an toàn giao thông. Sau đó chuyển giao ghi nhận, hiện trạng đó tới cơ quan có thẩm quyền xử lý trong lĩnh vực đó.
Việc này được điều chỉnh mới so với Thông tư 65 để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Cán bộ có nhiệm vụ phải ngăn chặn hành vi gây thiệt hại tới an ninh, trật tự xã hội sau đó chuyển sang cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý.
Hoàn Nguyễn (thực hiện) (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.