Trả lời vấn đề trên, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội cho biết: "Người vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn sẽ luôn tìm cách thỏa thuận với lực lượng CSGT. Tuy nhiên, trong đợt ra quân xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn không có chuyện này. Để minh bạch kết quả xử lý vi phạm với những người đã bị tổ chuyên đề của CSGT xử lý, sẽ được in kết quả đo nồng độ cồn và lập biên bản thì những trường hợp đã rất rõ ràng. Chúng tôi sẽ xử lý đúng người đúng hành vi.
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội. (Ảnh: VnExpress)
Thiếu tá Đào Việt Long cho biết thêm: "Khi đang làm nhiệm vụ, chúng tôi vừa kiên quyết xử lý, vừa coi đây là hình thức tuyên truyền về vấn nạn tai nạn giao thông, từ đó hình thành ý thức cho người dân. Khi ý thức người dân nâng cao, tai nạn sẽ giảm. Theo thống kê, số vụ tai nạn từ rượu bia rất nghiêm trọng đã không xảy ra trong thời gian đầu ra quân".
Cũng trả lời về những trường hợp khi bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở thì yêu cầu thổi vào thiết bị đo. Trường hợp tài xế không yên tâm với thiết bị đo nồng độ cồn, Thiếu tá Đào Việt Long tiếp tục cho biết: "Khi thực hiện chuyên đề, chúng tôi sẽ bám sát các quy trình tuần tra kiểm soát".
"Trong các trường hợp yêu cầu thổi nồng độ cồn, lực lượng chức năng đều sử dụng ống thổi mới và chỉ dùng 1 lần. Trường hợp người điều khiển nghi ngờ và muốn thay ống khác, chúng tôi cũng sẽ thử ống khác", Thiếu tá Đào Việt Long khẳng định.
Theo Thiếu tá Đào Việt Long, mỗi tổ công tác có tối thiểu 3 đồng chí, 2 máy đo nồng độ cồn, và thường mang tối thiểu 15 ống đo nồng độ cồn. Căn cứ vào thời gian tuần tra, chúng tôi sẽ chuẩn bị đủ số lượng để đảm bảo hoạt động của các tổ công tác.
Đây là năm bản lề của lực lượng cảnh sát giao thông. Năm nay, chúng tôi đã xây dựng trang fanpage để tương tác trực tiếp với người dân. Đối với những hình ảnh, video được gửi tới, chúng tôi sẽ tổ chức xác minh. Khi đã có đủ bằng chứng, chúng tôi sẽ đấu tranh làm rõ với người chủ phương tiện và lập biên bản xử lý người vi phạm.
Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, về các giải pháp hạn chế tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm giữa lực lượng chức năng với người uống rượu bia, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Việc tiêu cực trong quá trình xử phạt lái xe uống rượu bia vi phạm nồng độ cồn sẽ không thể xoá triệt để hết được. Tôi nghĩ còn có thể tăng tình trạng tiêu cực nhiều hơn. Đối với mức xử phạt cao như thế không thể tránh được việc tài xế thoả thuận tiêu cực với một số ít người thực thi pháp luật để được bỏ qua lỗi vi phạm nồng độ cồn”.
“Lúc đầu khi Nghị định 100 còn mới nên vai trò, vị trí là rất cao, dư luận vẫn còn hoan hô lực lượng chức năng thực thi đúng theo Nghị định về phòng chống tác hại của rượu bia. Tuy nhiên, về lâu về dài thì vẫn giữ được vai trò như vậy nhưng tình hình tiêu cực không thể là không xảy ra được. Vấn đề vi phạm để xử lý phạt tiền ở mức rất cao với quy định hiện hành. Ví dụ như mức khung cao nhất là phạt tới 40 triệu đồng và giữ giấy phép lái xe tới 2 năm. Qua đó, việc tiêu cực là khó tránh khỏi”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nhìn nhận.
Việc chung chi tiêu cực này cũng chỉ có tài xế và cán bộ xử lý biết với nhau thôi, sẽ chẳng có ai nói ra đâu vì theo luật pháp của chúng ta tội đưa nhận hối lộ sẽ xử lý cả người đưa và người nhận nên chẳng có tài xế nào ngu đến mức đã đi hối lộ cán bộ rồi lại còn đi công khai việc đưa hối lộ.
Nhìn nhận về những tác động của Nghị định 100 đối với xã hội, ĐBQH Phạm Văn Hoà cho rằng: “Chắc chắn nghị định sẽ tác động rất lớn đối với xã hội. Trong đó, tình trạng tai nạn giao thông sẽ giảm, người uống bia cũng sẽ ít đi rất nhiều. Cùng với đó, doanh thu của các nhà hàng, doanh nghiệp sản xuất bia rượu cũng sẽ sụt giảm đi rất nhiều, nguồn thu ngân sách từ ngành bia rượu cũng sẽ giảm. Cùng với đó, ngành dịch vụ vận tải cũng sẽ tăng trưởng lớn, đặc biệt là dịch vụ chở người uống rượu bia về nhà”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.