Cụ bà 90 tuổi nhận giải Ba cuộc thi "Nhớ thương mùi Tết" mùa 2
Cụ bà 90 tuổi nhận giải Ba cuộc thi "Nhớ thương mùi Tết" mùa 2
M.T
Thứ sáu, ngày 12/03/2021 20:20 PM (GMT+7)
Cụ bà Nguyễn Như Sương ở Tây Ninh vừa nhận giải Ba và giải "Bài viết được nhiều người chia sẻ nhất" trong buổi trao giải cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết" do Thế giới tiếp thị Online vừa tổ chức tại TP.HCM.
"Tôi suy nghĩ, sắp xếp ý tứ trong đầu sẵn về đề tài dự thi. Đêm không ngủ được, tôi bật dậy ngồi viết một hơi và rất nhanh đã xong bài viết của mình. Thú vui của tôi là viết Facebook nhưng tôi viết tay và nhờ con cháu đánh máy rồi đăng lên trang cá nhân…", bà Nguyễn Như Sương chia sẻ.
Theo nhà văn Trần Nhã Thụy, thành viên Ban giám khảo cho biết, anh ấn tượng với bài viết "Những mùa xuân khó quên" của cụ bà Nguyễn Như Sương (Trảng Bàng, Tây Ninh), khi hoài nhớ những cái Tết ấu thơ bên dòng sông Bảy Háp (Cà Mau), nơi mà "đồng nước mênh mông bốn mùa gió lộng, có cá lội, có chim ca, tiếng bìm bịp kêu nước lớn, tiếng cúm núm vang đồng"… Để rồi Tết này, ở tuổi 90, cụ bà lại miên man nhớ những nhịp Tết ngân chảy qua nhịp đời mình.
Giải Nhất (30 triệu đồng) thuộc về bài viết "Tết đầu tiên tôi buồn tiếng pháo" của tác giả Nguyễn Thị Anh (TP.HCM), giải Nhì – "Tết tuổi 16 nhớ nhà" của Đặng Ngọc Hùng (TP.HCM). Đồng giải Ba với cụ Sương còn có tác giả Trần Văn Toản (Thừa Thiên Huế) với bài "Theo chân ba thắp nhang cho mạ". Ngoài ra còn có giải khuyến khích dành cho 5 tác giả: Quốc Việt, Nguyễn Thanh Nam, Lê Tuyết Lan, Lam Huệ, Thùy Như.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết,chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi (từ 1/12/2020 đến ngày 15/2/2021), tòa soạn đã nhận được 883 bài viết gửi về dự thi. Không chỉ thu hút đông đảo bạn viết trong nước, cuộc thi còn thu hút hơn 20 tác giả là người Việt đang sống và làm việc tại nước ngoài: Úc, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Cộng hòa Séc, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Từ 883 bài viết dự thi, Ban giám khảo đã làm việc nghiêm túc để chọn ra 96 bài đạt chất lượng, đăng tải dần trên Thế giới tiếp thị Online. Sau đó, Ban tổ chức chọn ra 48 bài vào chung khảo. Các thành viên ban chung khảo đã chấm điểm độc lập, cộng điểm trung bình, trao đổi, phân tích… để chọn các tác phẩm đoạt giải.
"Tôi nhận được nhiều cảm xúc thú vị khi đọc những bài viết dự thi đăng trên Thế giới tiếp thị Online. Có người nhớ về Tết qua lưng áo đẫm mồ hôi của cha, qua bàn tay dắt mình theo năm tháng của nội; có người nhớ Tết qua nồi lá xông của bà hay qua những chắt chiu từng con ruốc, con rươi, con cá, chùm trái dành cho cháu con từ đầu tháng chạp. "Nhớ thương mùi Tết" cũng là nhớ thương một thời tuổi trẻ, nhớ những người bạn thiếu thời, nhớ một vùng đất, nhớ một hình ảnh tưởng chỉ là điều gì đó thoáng qua trong quá khứ...
Mỗi bài viết là một câu chuyện, một nỗi niềm, một sự sẻ chia có vui có buồn, có mất mát, có hạnh phúc có bình an, có lạc quan hy vọng... Mỗi câu chuyện là một giọng điệu, một cảm xúc nhưng tựu trung đều rất chân tình", ông Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ.
Nhà văn Trần Nhã Thụy, thành viên Ban giám khảo chia sẻ: "Có thể nói, mỗi bài Nhớ thương mùi Tết, dù dung lượng chỉ trên dưới 1.000 chữ, nhưng nó thực sự là "đại dương yêu thương" và "rừng thẳm mùi hương". Qua đây, tôi thêm một lần nhìn nhận rằng: Vấn đề không phải là viết cái gì mà là viết như thế nào. Và cũng không phải câu chuyện của kỹ thuật viết mà là câu chuyện của tâm hồn."
Dường như ai đọc bài "Tết đầu tiên tôi buồn tiếng pháo" của Nguyễn Thị Anh (TP.HCM) cũng thấy bóng dáng mình trong đó: "Ông nội tôi đứng van vái trước mâm cúng giao thừa, cầu mong cho quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc. Pháo nhà tôi cũng nổ thật giòn, thật vang dội…". Nhưng tiếng pháo vui mà tiếng pháo cũng thật buồn, khi một người bạn của tác giả qua đời vì pháo nổ.
Bài viết "Tết tuổi 16 nhớ nhà" của tác giả Đặng Ngọc Hùng (TP.HCM) chỉ 1.000 chữ nhưng như một "thiên truyện ngắn" với những chi tiết, bối cảnh, câu chuyện thật đặc biệt… Cậu bé 16 tuổi còn nhìn thấy nơi nhà của người chú, trong góc hành lang đẫm mùi nhang, mùi tiễn biệt một người thân, mùi của im lặng chia ly, không bút mực nào tả được… Nó như một đoạn phim đầy ám ảnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.