“Cụ” cây 500 tuổi sống lại sau 30 năm chết khô

Thứ sáu, ngày 19/11/2010 11:24 AM (GMT+7)
Người trong làng, trong dòng họ tôn kính "cụ" thị này vì tuổi của "cụ" cao và có một sức sống mãnh liệt. "Quãng đời" 30 năm chết khô rồi sống lại của "cụ" là câu chuyện được truyền tụng nhiều nhất.
Bình luận 0
img

Ông Thân Văn Trợ, trưởng tộc phái Thân Văn, cho biết, năm 1968, trong chiến dịch tổng tiến công Tết Mậu Thân, cây bị trúng bom xăng của Mỹ - Ngụy nên lá cây bị thiêu rụi hoàn toàn, trơ thân cành trơ trụi, rồi những cành nhỏ cũng dần gãy.

"Ruột cây cũng bị bom đạn làm thối nên rỗng từ gốc đến ngọn, khi đốt lửa dưới gốc cây thì người ta thấy khói nhả ra trên đỉnh cây, giống y như một cái ống khói khỏng lồ", ông nhớ lại. 

312 năm tuổi, chu vi thân 4,2m, chu vi bạnh vè hơn 10m, chiều cao lên tới 25m (tương đương tòa nhà 5 tầng), đó là đặc điểm của cây thị lớn nhất, cũng là cây di sản đầu tiên ở Huế.

Một thời chiến tranh ác liệt đã ghi dấu ấn trên cây thị khổng lồ. Cây từng hứng nguyên một quả đạn pháo khiến thân toác ra một lỗ thủng có đường kính rộng đến 30cm mà như lời ông Trợ nói: "Ngày xưa bọn trẻ chơi trốn tìm vẫn chui qua lỗ thủng này để vào ruột cây để nấp".

Cây thị khổng lồ bầm dập những viết thương, trơ thân khô gày guộc suốt gần 30 năm nhưng không người nào trong dòng họ nỡ đốn hạ cây.

Ông Trợ nói: "Cây gắn bó với ông tổ của dòng họ, chứng kiến bao nhiêu thăng trầm thời gian, sự phát triển của dòng họ nên không ai coi "cụ" là cây, mà coi như một người thân và không ai nỡ lòng nào dám chặt hạ".

Năm 1998 sau khi họp dòng họ bàn bạc, thấy "cụ" chết khô mà cứ để "cụ" như vậy thì vừa là thương "cụ", vừa làm khổ "cụ" nên mọi người quyết định: "Thôi thì buộc phải "tiễn" cụ đi".

Điều kỳ diệu đã đến khi sáng hôm chuẩn bị đốn hạ cây, khi mọi người tay búa tay cưa đã tụ tập quanh gốc cây sẵn sàng vào việc thì ai cũng không thể tin vào mắt mình khi thấy trên thân cây lác đác có chồi non.

Chỉ sau 1 đêm cây thị đã hồi sinh. Cả dòng họ không ai dám nói với ai lời nào, nem nép giấu cưa, giấu búa đi rồi hò nhau vun xới, tưới nước giúp cây hồi sinh sau 30 năm "chết giả".

Vỗ vỗ vào thân cây, ông Trợ giải thích: "Ruột "cụ" đã hư nên nay mọi chất dinh dưỡng cung cấp cho cành lá có lẽ đều được "cụ" vận chuyển qua vỏ cây".

Gia phả phái Thân Văn ghi chép cụ thể: vào năm 1698, niên hiệu Chánh - Hoà thứ 16, đời Vua Lê - Hy- Tôn, ngài Thuỷ tổ Thân Văn Thẩm khi dạy học ở làng Nguyệt Biều, tổng Cư Chánh, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế ( nay là phường Thuỷ Biều, Tp Huế) đã mang cây thị này về trồng tại vùng bán sơn địa Dương Xuân Hạ làm mốc địa giới cho hậu duệ, đánh dấu sự có mặt của dòng họ Thân.
Theo Đời Sống Và Pháp Luật
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem