Cư dân ở "chui" trong chung cư: Cần truy trách nhiệm chính quyền!

Trần Kháng Thứ ba, ngày 06/07/2021 13:00 PM (GMT+7)
Trong khi nhiều chủ đầu tư vẫn cố tình đưa cư dân vào ở khi chưa được nghiệm thu PCCC và được cơ quan có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận đủ an toàn, chính quyền các cấp lại "loay hoay" xử lý.
Bình luận 0

An toàn sinh mạng cho cư dân

Liên quan tới vi phạm đưa công trình chung cư vào sử dụng khi chưa nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu của cơ quan chức năng theo quy định, chia sẻ với Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết, pháp luật hiện hành quy định, chủ đầu tư bắt buộc phải tổ chức nghiệm thu về PCCC trước khi đưa công trình vào sử dụng.

Cụ thể, dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC đã, được thẩm duyệt về PCCC, trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu PCCC.

Cư dân ở "chui" trong chung cư: Cần truy trách nhiệm chính quyền! - Ảnh 1.

Chủ đầu tư chung cư The Legacy và Stellar Garden (Thanh Xuân, Hà Nội) đưa cư dân vào ở khi chưa đủ điều kiện an toàn. (ảnh T.K)

Cũng theo luật sư Trần Tuấn Anh, hành vi bàn giao căn hộ chung cư cho cư dân vào ở khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC là sự coi thường tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách hàng (người mua nhà). Bởi việc này có thể gây ra những hậu quả khôn lường, những thiệt hại vô cùng lớn trong trường hợp xảy ra cháy, nổ.

Trong thực tế, sự nguy hiểm này cũng đã được chứng minh bằng liên tiếp các vụ cháy, nổ liên quan đến nhà chung cư khi chưa đủ điều kiện về PCCC nhưng đã tổ chức bàn giao cho cư dân về ở trong thời gian vừa qua.

Cư dân ở "chui" trong chung cư: Cần truy trách nhiệm chính quyền! - Ảnh 2.

Chủ đầu tư chung cư Viễn Đông Star đưa cư dân vào ở khi chưa được nghiệm thu PCCC. (ảnh T.K)

Đồng quan điểm với vị luật sư trên, PGS.TS. Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), luật quy định một trong những yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các công trình khi đưa vào vào khai thác vận hành phải ưu tiên các điều kiện thỏa mãn yêu cầu về an toàn sinh mạng cho mọi người.

"Vấn đề về nhà ở phải nghiệm thu về chất lượng nhà có nguy cơ sập, đổ, hệ thống điện nước có an toàn không, đầy đủ không… Các điều kiện khác liên quan đến an toàn sinh mạng như lan can có chắc chắn không chiều cao lan can ra sao rồi các vấn đề khác.

Vấn đề đảm bảo an toàn sinh mạng có những quy chuẩn quy định rất chặt chẽ. Thứ nữa là phải đảm bảo về an toàn PCCC được cơ quan PCCC kiểm tra nghiệm thu cấp giấy chứng nhận về an toàn PCCC. Đây đều là những điều rất quan trọng", ông Chủng nói.

Làm rõ trách nhiệm chính quyền

Thực tế, dù đã có những quy định rõ ràng nhưng thực tế cho thấy không ít dự án chưa được nghiệm thu chủ đầu tư vẫn cho cư dân vào ở trái phép bất chấp quy định. Vậy, việc công trình chưa được nghiệm thu đã đưa dân vào ở, ngoài sự vô trách trách nhiệm của chủ đầu tư thì trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?

Nói rõ về vấn đề trách nhiệm, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng PGS.TS. Trần Chủng cho rằng, lỗi chính vi phạm trực tiếp là chủ đầu tư đã bất chấp luật pháp, bất chấp quản lý ngang nhiên thách thức dư luận. Còn về phía chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra xử lý, can thiệp khi chủ đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật.

Cư dân ở "chui" trong chung cư: Cần truy trách nhiệm chính quyền! - Ảnh 4.

Vi phạm tại chung cư The Legacy đã diễn ra nhiều năm chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để. (ảnh T.K)

Trách nhiệm quản lý về sự tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của chính quyền. Còn nghĩa vụ của chủ đầu tư là phải tuân thủ pháp luật mà không tuân thủ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhà nước đã phân quyền trách nhiệm cho cơ quan quản lý thì phải quản lý sự tuân thủ pháp luật.

"Chủ đầu tư không tuân thủ vẫn cho dân vào ở mà chính quyền không quyết liệt xử lý là làm ngơ thiếu trách nhiệm. Luật đã quy định vì vậy cần quy rõ trách nhiệm. Chủ đầu tư sai quy trình chính quyền, cơ quan Nhà nước lập tức phải có biện pháp can thiệp hành chính khác chứ không phải muốn làm gì thì làm. Chính quyền phải có trách nhiệm về quản lý trên địa bàn phải bảo vệ người dân đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn sinh mạng", ông Chủng nhấn mạnh.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước về PCCC, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch Trần Tuấn Anh cho rằng, để xảy ra tình trạng chủ đầu tư bất chấp quy định pháp luật đưa công trình vào bàn giao khi chưa được nghiệm thu PCCC, một phần có lẽ cũng xuất phát từ cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC trong công tác quản lý của mình đối với các công trình này. Rõ ràng, đã có sự nương nhẹ, bỏ qua hoặc không quyết liệt trong việc buộc các chủ công trình này phải hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy và được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt rồi mới được đưa vào sử dụng. Bởi đây là các tòa nhà chung cư, có số lượng dân đến ở là rất đông chứ không phải là dạng nhà ở nhỏ lẻ để có thể cho dân vào "ở chui" được.

Vậy, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đến đâu? Hay chỉ dừng lại ở việc "công bố danh sách" các công trình vi phạm về điều kiện PCCC và tiếp tục phó mặc sự an toàn, tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân vào các chủ đầu tư chỉ biết bán nhà kiếm lời? Đây thực sự là vấn đề cần phải được quan tâm, làm rõ và xác định trách nhiệm đến từng cá nhân, tập thể có liên quan.

Ngoài ra, đây còn là vấn đề của các cơ quan chức năng không chỉ riêng trong lĩnh vực PCCC mà đây còn là vấn đề chung trong công tác quản lý Nhà nước ở nước ta hiện nay. Sự quản lý lỏng lẻo, hời hợt chính là một phần nguyên nhân trong các vụ tai nạn thương tâm vừa qua.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem