Từ đảo không túi nylon
Còn nhớ, khi Hội An trở thành Di sản Văn hóa thế giới được du khách quốc tế biết đến, Cù Lao Chàm cách đó gần 20km cũng được “thơm lây”. Nhưng du khách kéo đến nhiều cũng là lúc Cù Lao Chàm trở thành “túi rác” khổng lồ giữa biển khơi. Nhưng đó là câu chuyện của 10 năm trước.
Công nhân Công ty Môi trường đô thị Hội An dọn rác, giúp Bãi Ông sạch bóng, nước trong xanh tới đáy biển. Ảnh: P.V
"Việc vận động phải lâu dài theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” mới có được thương hiệu như ngày nay. Không những vậy, việc “hậu kiểm” cũng phải được thực hiện thường xuyên để bản thân doanh nghiệp, khách từ nơi khác đến đảo cũng tự ý thức bảo vệ môi trường”.
Bà Trần Thị Kim Thùy - cán bộ môi trường xã Tân Hiệp, Cù Lao Chàm (Quảng Nam)
|
Tháng 5.2009, Cù Lao Chàm phát động Chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi nylon”. Không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền tại khu dân cư, Ban quản lý du lịch, Ban quản lý bến và Ban môi trường còn làm việc với chủ canô đưa nội dung cuộc vận động không sử dụng túi nylon vào nội dung hướng dẫn du khách.
Ghé thăm chợ Tân Hiệp, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ cô bán rau đến chị bán cá, cả những sạp hàng bánh ít lá gai, bánh su suê - đặc sản đất Quảng ở Cù Lao Chàm, ai ai cũng cầm trên tay những chiếc túi giấy, túi lưới đủ kích cỡ. Trẻ em ở Cù Lao Chàm rảnh tay, thay vì chơi đùa, các em đều phụ cha mẹ gấp túi giấy. Nói không với túi nylon đã không còn là khẩu hiệu trên panô, mà đã ăn sâu vào nếp nghĩ, hành động của người dân.
“10 năm nay, người dân xã đảo không sử dụng túi nylon nữa. Bữa nào mua nhiều thì mang làn to, còn bữa nào mua ít hoặc đi làm ghé qua chợ thì sử dụng túi lưới, túi giấy. Sau đó, những túi này sẽ giặt phơi để tái sử dụng hoặc mang tặng lại cho các hộ kinh doanh, vừa tiện lại bảo vệ môi trường, người dân chúng tôi rất thích. Còn với các loại hàng khô khác, chúng tôi đều được phát các túi làm bằng giấy, bằng báo để không gây hại cho môi trường” - chị Lê Thị Bích Liên (người dân Bãi Ông) vừa trò chuyện, vừa thoăn thoắt bỏ những con cá vào chiếc hộp nhựa.
Bà Trần Thị Kim Thùy - cán bộ môi trường xã Tân Hiệp cho biết, người dân rất ý thức. Ở đây, không ai còn muốn sử dụng túi nylon. Người dân đã hoàn toàn chủ động tìm vật liệu thay thế cho loại chất liệu này như lá chuối, lá bàng hay vật liệu cây cỏ có trên đất đảo.
Tới cuộc cách mạng môi trường lần 3
Sau thành công của 2 cuộc “Cách mạng môi trường”, cuối năm 2018, TP.Hội An tiếp tục phát động Chương trình “Cù Lao Chàm nói không với ống hút nhựa” với thông điệp chỉ một hành động nhỏ nhưng có thể mang lại thay đổi lớn. Đến nay, Cù Lao Chàm là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động nói không với ống hút nhựa và tiến tới giảm các vật dụng nhựa khác.
Những ngày này, đến với Cù Lao Chàm, bước vào quán cà phê, nhà hàng, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những ống hút thân thiện với môi trường từ cây sậy, tre, trúc. Anh Huỳnh Giang - chủ cửa hàng Hải Dương (Bãi Ông, xã Tân Hiệp) chia sẻ, với 80.000 đồng, anh chỉ mua được tầm 100 ống hút sậy. Trong khi đó, với giá tiền này, anh có thể mua được hàng trăm ống hút nhựa. “Dĩ nhiên, khi kinh doanh, lợi nhuận sẽ giảm đi, nhưng cái gì vì lợi ích chung, bảo vệ môi trường tự nhiên cũng như sức khỏe của con người, phải theo chứ” - anh Giang nói.
Cù Lao Chàm có thực sự trở thành hòn đảo “nói không với chai nhựa dùng một lần và ống hút nhựa hay không?” - Chắc chắn được! Điều này được thể hiện bởi quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây. Nói như Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Hiệp Trần Thanh Hải: “Khó như việc vận động người dân bỏ thói quen đi vệ sinh trên núi dưới biển, khó như việc vận động bà con và nhất là tiểu thương trong chợ bỏ túi nylon mà đảo Cù Lao Chàm còn làm được, cớ gì chúng tôi lại không vận động bà con bỏ ống hút nhựa dùng một lần.
Với quyết tâm, chúng tôi tin, chỉ thời gian ngắn nữa thôi, Cù Lao Chàm sẽ luôn là điểm đến được lựa chọn hàng đầu của du khách muôn phương. Bởi, nơi đây là đảo xanh hoàn toàn không có bóng dáng của túi nylon, ống hút nhựa hay chai nhựa dùng một lần”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.