Nhiều giải pháp đột phá
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt cho biết, hiện nay, 4/4 xã của thành phố đã đạt chuẩn NTM, bao gồm Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành (đạt chuẩn năm 2014) và xã Tà Nung (đạt chuẩn năm 2015). Như vậy, Đà Lạt đã đạt kết quả 100% số xã đạt chuẩn NTM, đang chờ Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018.
Các ngày Chủ nhật xanh được thực hiện liên tục trên địa bàn TP.Đà Lạt. Ảnh: V.L
Là thành phố du lịch nổi tiếng nên tiêu chí môi trường luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm. Ảnh: V.L
Là thành phố du lịch nổi tiếng, lãnh đạo địa phương đã có nhiều giải pháp đột phá nhằm hoàn thành tiêu chí số 17 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.
“Để môi trường được sạch, đẹp, trước hết phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Trong thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức, cách làm như vệ sinh nhà cửa, sử dụng nước sạch, giữ gìn cảnh quan, thu gom và để rác thải đúng thời gian và nơi quy định... Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, ra quân dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, thôn, tổ vào các ngày…” - ông Sơn cho biết.
Bên cạnh hoạt động du lịch, Đà Lạt còn là thành phố có diện tích đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lớn nhất cả nước, lượng rác thải nông nghiệp cũng rất lớn. Trên phạm vi toàn tỉnh, Lâm Đồng có trên 54.000ha sản xuất theo hướng công nghệ cao, lượng rác thải là phụ phẩm nông nghiệp phát sinh ước 100.000 tấn. Cùng với đó, lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thải ra môi trường chiếm 30 - 40 tấn/năm.
Do vậy để hoàn thành tiêu chí môi trường, thành phố đang phối hợp thực hiện đề án thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; lắp đặt các bể chứa để thu gom, xử lý, tuyên truyền vận động bà con nông dân triển khai thực hiện.
Ông Sơn cho biết: “Đối với lượng rác thải nông nghiệp hữu cơ có thể phân hủy như phụ phẩm nông nghiệp, nông dân đã tự xử lý bằng cách bỏ men vi sinh và ủ một thời gian thành phân hữu hoặc để trên đồng ruộng gần kênh, mương suối... Một số rác thải phát sinh tại các cơ sở thu mua, sơ chế đã hợp đồng với Công ty cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt thu gom và chuyển về nhà máy xử lý rác thải để làm phân bón. Đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật, từ năm 2017, thành phố đã phối hợp với Hội Nông dân, với nhóm tư vấn thuộc Khoa Tài nguyên – Môi trường Đại học Đà Lạt triển khai dự án và xây dựng mô hình thí điểm thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại làng hoa Thái Phiên, phường 12”.
Thuận lợi chính là… khó khăn
Cũng theo ông Sơn, yếu tố thuận lợi của Đà Lạt (thủ phủ nông nghiệp công nghệ cao) lại chính là khó khăn của thành phố khi xây dựng NTM. Bởi thực trạng sản xuất nông nghiệp của địa phương còn tồn tại ở quy mô nhỏ lẻ, đất đai manh mún, sản xuất theo hộ gia đình nên công nghệ và chất lượng sản phẩm chưa đồng bộ, công tác xử lý chất thải phát sinh còn hạn chế.
Ngoài ra, ý thức bảo vệ môi trường của một số người dân chưa cao, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường. Trong đó có việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón chưa đúng đã gây ô nhiễm đất, nguồn nước và cả không khí; việc xây dựng nhà kính không có quy hoạch gây xói mòn, mất mỹ quan.
Ông Nguyễn Đức Cứ - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Đà Lạt cho biết, do còn những hạn chế như vậy nên trong năm 2019, địa phương tiếp tục có nhiều giải pháp để nâng cao tiêu chí môi trường. Cụ thể, phấn đấu 100% số hộ dân trên địa bàn 4 xã sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định. Chính quyền các xã cũng cần tăng cường vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.