Cử nhân làm phục vụ nhà hàng

Thứ hai, ngày 21/12/2015 13:01 PM (GMT+7)
Tại TPHCM, nhu cầu việc làm rất lớn nhưng không ít cử nhân, thạc sĩ vẫn loay hoay tìm việc, nhiều người thậm chí còn cất bằng để đi phục vụ nhà hàng.
Bình luận 0

img

Sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm việc làm trong một buổi phỏng vấn. Ảnh: N.D.

Tốt nghiệp cử nhân khối ngành xã hội nhân văn của một trường đại học nổi tiếng ở miền Trung, ra trường, Nguyễn Thị Thủy vào TPHCM xin việc. Từ làm nhân viên quảng cáo chỉ được hưởng lương trên hoa hồng kêu gọi được, Thủy chuyển sang làm nhân viên cho công ty tư vấn dịch vụ du lịch cũng không ăn nhập gì với lĩnh vực mình học. Không có kinh nghiệm, áp lực cao cộng với mối quan hệ không có, Thủy liên tục bị khách hàng than phiền, có người còn  chửi vì bị Thủy quấy rầy…

Sau 2 năm với gần 5 lần chuyển công việc, hiện Thủy đang làm phục vụ trong một nhà hàng với mức lương 3 triệu/tháng, ngày làm 8 tiếng. “Nghĩ lại quãng thời gian tìm việc thật là ác mộng với em, họ đòi hỏi quá cao nhưng mức lương lại rất thấp. Biết học xong cũng đi làm phục vụ thì em đã nghỉ học từ lâu cho rồi”, Thủy tâm sự.

Ra trường với tấm bằng loại khá của một trường đại học tại TPHCM, sau 3 năm long đong tìm việc, Nguyễn Văn Long ở Quảng Ngãi phải đi phát tờ rơi để kiếm sống qua ngày.  “Giờ đi phát tờ rơi nhưng em luôn có trong người vài bộ hồ sơ xin việc, nếu nghe ở đâu có phỏng vấn, ngày hội việc làm là em tìm đến để nộp ngay”, Long nói.

Về việc cử nhân, thạc sĩ, người có bằng cấp thất nghiệp, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TPHCM nêu thực tế: Mỗi năm các trường đại học, cao đẳng cung cấp cho thị trường lao động thành phố hơn 130 nghìn lao động cùng hàng chục ngàn lao động do các chương trình đào tạo đại học liên kết quốc tế, du học, đào tạo vừa học vừa làm, liên kết đào tạo đại học với các tỉnh... Nhưng nhu cầu nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng chỉ có khoảng 60.000 chỗ làm việc/năm.  Theo ông Tuấn, lý do cử nhân, thạc sĩ đi bán nhà hàng hay không tìm được việc do cơ cấu ngành nghề đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn nhiều bất cập.

Ông Tuấn dẫn chứng: “Trong cơ cấu đào tạo đại học, nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ và Khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng khoảng 30%, các nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Khoa học xã hội - Y tế - Giáo dục chiếm tỷ trọng 70% trong khi nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp thì nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ - Khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 45%, dẫn đến thừa lao động có chuyên môn về Kinh tế - Tài chính – Giáo dục – Y tế - Khoa học xã hội”.

Chuyên gia tuyển dụng nhân sự lâu năm ở TPHCM Bùi Văn Vượng, cho biết đa số các sinh viên chưa quan tâm đến kỹ năng chuẩn bị hồ sơ xin việc và kỹ năng khi đi phỏng vấn.

Theo anh Vượng, khi đi phỏng vấn thì sinh viên vẫn phạm những lỗi cơ bản trong việc chuẩn bị hồ sơ, ví dụ hồ sơ không chuyên nghiệp, thiếu tính tổ chức, sắp xếp và vi phạm các lỗi chính tả, hoặc thông tin không thuyết phục hoặc không liên quan đến vị trí ứng tuyển. Thậm chí, theo người này, trong quá trình phỏng vấn nhiều em còn không nắm bắt được nhu cầu của công việc và không hiểu rõ về công ty.  “Đại đa số sinh viên đi xin việc chỉ chờ may mắn hoặc được thì tốt, không thì thôi”, ông Vượng nói.

Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem