Ngày 10.8, trao đổi qua điện thoại với Dân Việt, cụ Trần Văn Thêm (ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, cụ rất vui mừng khi nghe thông tin các cơ quan tố tụng T.Ư đã họp, kết luận cụ bị kết án Giết người, Cướp tài sản cách đây hơn 40 năm là oan sai.
Luật sư Vũ Văn Lợi (Đoàn luật sư TP.Hà Nội, người tham gia kêu oan cho cụ Thêm) cho biết: các cơ quan tố tụng T.Ư đã họp và kết luận cụ Thêm bị oan sai. Theo thủ tục tố tụng hình sự, nếu trong hồ sơ vụ án chỉ có hai bản án kết tội cụ Thêm thì phải có thủ tục kháng nghị hai bản án trên theo trình tự tái thẩm (giám đốc thẩm đã hết hạn). Sau đó Hội đồng tái thẩm của TAND Tối cao sẽ ra quyết định tuyên hủy hai bản án đã kết tội cụ Thêm.
Tiếp đến, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với cụ Thêm, lúc này cụ mới chính thức vô tội.
"Vụ án này xảy ra từ rất lâu, sự thật đến nay đã rõ ràng, tôi cho rằng các cơ quan tố tụng T.Ư nên áp dụng thủ tục đặc biệt là ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với cụ Thêm, rồi tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường oan sai cho cụ. Như vậy vụ việc được giải quyết nhanh chóng, cụ Thêm sẽ không phải chờ đợi lâu" - luật sư Lợi nêu quan điểm.
Luật sư Vũ Văn Lợi trao đổi với cụ Trần Văn Thêm. (Ảnh luật sư Lợi cung cấp).
Qua nhiều lần trao đổi với luật sư cũng như trao đổi với PV, cụ Thêm cho biết, điều quan trọng nhất là cụ sớm được minh oan, còn việc bồi thường giải quyết theo quy định của pháp luật. Cụ Thêm cho hay, trước khi được trả tự do về địa phương cụ đã ở tù 5 năm 6 tháng và 7 ngày.
Theo luật sư Lợi, tại Điều 47 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, quy định, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tù giam được tính: Mỗi ngày tù giam oan được bồi thường 3 ngày lương tối thiểu (theo mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định tại thời điểm bồi thường). Mức lương tối thiểu hiện nay là 1.210.000 đồng. Còn thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, khi bị bắt cụ Thêm đang là lao động tự do.
Theo Điều 46 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trường hợp cá nhân có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì việc bồi thường thu nhập sẽ dựa vào mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Ngoài ra, sau khi được minh oan, cụ Thêm có thể yêu cầu bồi thường do việc bị giảm sút sức khỏe của mình vì phải ngồi tù oan, những khoản chi phí đi lại cũng như thuê luật sư trong quá trình kêu oan...
Trong vụ án này TAND Tối cao là cơ quan xét xử phúc thẩm với cụ Thêm, nên cơ quan này phải chịu trách nhiệm bồi thường oan sai.
Năm 1970, cụ Thêm và người em họ Nguyễn Khắc Văn từ Bắc Ninh lên huyện Tam Dương, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) thu mua trám. Trời tối hai người nghỉ tại lều cắt tóc ven đường. Đêm đó, có đối tượng đã dùng búa đánh ông Văn và cụ Thêm để cướp tài sản. Bị chống trả và hô hoán tên cướp bỏ chạy. Ông Văn bị thương và tử vong sau đó, cụ Thêm cũng bị thương vào đầu nay vẫn để lại sẹo. Sau đó cụ Thêm bị cho là hung thủ, hai lần ra tòa cụ phải nhận bản án tử hình. Tuy nhiên hung thủ thật sau đó bị bắt, cụ được trả tự do về địa phương.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.