Cua biển tụt nửa giá: Sao không mang ra Hà Nội bán?!

Mai Hương Thứ ba, ngày 25/08/2015 07:00 AM (GMT+7)
Cua biển ở Cà Mau và các tỉnh miền Tây rớt giá thảm hại trong khi tại Hà Nội, giá cua biển lại cao chót vót, thậm chí còn đang tăng lên. Nhiều người tiêu dùng tiếc rẻ, sao không mang cua biển Cà Mau ra Hà Nội bán, lãi bộn tiền?!
Bình luận 0

Cua biển rớt giá, dân Hà Nội giật mình

“Tôi nghe thông tin cua biển ở các tỉnh miền Tây chỉ có giá vài chục đến hơn trăm nghìn một cân mà giật mình bởi giá cua biển bán tại Hà Nội hiện không dưới 300.000 đồng/kg, cua ngon thì đừng nghĩ có giá dưới 400.000 đồng/kg”, chị Nguyễn Thị Thu - nhân viên một văn phòng công chứng ở Hà Nội đã thốt lên như vậy.

img

Cua y (cỡ 2 - 3con/kg) bán tại Trà Vinh với giá từ 100.000-120.000 đồng/kg. Ảnh: Huỳnh Xây

Chị Thu cho biết, mới hôm Chủ nhật vừa rồi, chị mua cua biển tại chợ cóc trên phố Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho con ăn. Cua bé lại thêm dây buộc đã gần bằng nửa trọng lượng con cua mà giá lên tới 300.000 đồng/kg. Chị mua hai con 9 lạng, mất 270.000 đồng, nếu về tháo dây hai con cua này chắc còn 5-6 lạng. “Cua này chưa phải cua ngon loại 1 hay cua gạch mà giá đã cao vậy. Do giá cua quá đắt nên tôi chỉ thỉnh thoảng mới dám mua cua biển về tẩm bổ cho con ăn thôi” - chị Thu nói.

Khu vực chợ đầu mối Long Biên là nơi phân phối hàng thực phẩm lớn cho Hà Nội. Tôm cua ở đây bán buôn, bán lẻ sôi động nhất nhì Thủ đô, song theo quan sát của chúng tôi những ngày này, lượng cua biển về chợ vẫn bình thường, không có dấu hiệu nào cho thấy mặt hàng cua biển bị “dội chợ”. Giá cua cũng không giảm, thậm chí nhiều mặt hàng thủy sản như tôm, cua biển còn đang lên vài giá do nhu cầu tiêu dùng tăng.

Chị Vân - chuyên bán hàng thủy sản tươi sống tại chợ này cho biết, tôi nghe nói cua biển ở miền trong bán sang Trung Quốc không được nên giá giảm, nhưng cũng không thấy cua biển đổ về chợ Long Biên nhiều. Giá cua biển tại chợ vì thế cũng không giảm, thậm chí có xu hướng nhích lên bởi nhu cầu thủy hải tươi sống, đặc biệt là cua biển của người dân Hà Nội quá lớn vào các ngày nghỉ, ngày lễ còn không có đủ hàng để cung cấp. Giá bán cua biển tại quầy của chị Vân vẫn trên dưới 300.000-400.000 đồng/kg, tùy loại và phụ thuộc là người mua buôn hay mua lẻ.

Bao giờ hết cảnh “ế đồng đắt chợ”?

Tại chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) - nơi được xem là “thủ phủ” của hàng thủy hải sản tươi sống thì giá cua biển bán lẻ ở đây cũng cao chót vót từ 350.000-450.000 đồng/kg, tùy loại. Những ngày sát Rằm tháng 7 âm lịch, nhu cầu ăn uống thủy hải sản tươi sống của người dân Hà Nội tăng nên giá tôm, cua biển cũng tăng lên khá mạnh.

Bà Thân - nhà ở Giảng Võ (Hà Nội) cho biết, bà mua cua gạch ở chợ Thành Công hôm Chủ nhật vừa qua là 450.000 đồng/kg, cộng cả dây buộc cua “đèo” thêm vào với trọng lượng dây tới 3 lạng. “Nếu bỏ dây thì cua này tính ra tôi mua có đến cả gần triệu đồng một cân. Vậy mà cua biển ở Cà Mau chỉ có giá vài chục đến hơn một trăm nghìn đồng một cân thì chênh khiếp quá. Cua biển Cà Mau sao không mang ra Hà Nội mà bán, lo gì không lãi”, bà Thân bày tỏ.

Đấy mới chỉ là giá cua biển bán ở chợ dân sinh, chợ đầu mối. Còn nếu vào các nhà hàng ăn uống ở Hà Nội hiện nay thì giá cua biển tính cho thực khách cũng không thể dưới 500.000-600.000 đồng/kg – một mức giá thuộc hàng xa xỉ với người Hà thành, kể cả với người có thu nhập cao.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội - ông Vũ Vinh Phú cho biết, cảnh “ế đồng đắt chợ” không chỉ xảy ra với con cua, con cá, mà đang là “vấn nạn” của hầu hết các sản phẩm nông đặc sản của Việt Nam. “Hàng hóa của nông dân hiện nay đang bị đẩy qua quá nhiều tầng nấc trung gian, chưa kể nhiều chi phí “bôi trơn”, cầu đường… cộng vào giá thành làm cho chi phí bán lẻ đội lên. Các loại chi phí dọc đường “ăn theo” con cua, con cá quá lớn. Do vậy, không có gì ngạc nhiên, cua biển nông dân  bán vài chục nghìn đồng một kg ra đến Hà Nội bán vài trăm nghìn đồng một kg” - ông Phú nhận định.

Theo ông Phú, cua biển là loại thực phẩm xa xỉ, ngon bổ mà nông dân bán rẻ như đổ đi hiện nay thì quả là quá “sốc” và đau xót, trong khi người tiêu dùng ở Hà Nội đang phải bỏ mấy trăm nghìn mới được ăn cua biển.

Ông Phú cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng lại hệ thống phân phối để không chỉ điều tiết bán hàng hóa, giá cả trong nước mà cũng giúp cho cả hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc hiệu quả nhất: “Kiểu mua đứt bán đoạn, phải qua quá nhiều khâu trung gian thương lái, rồi bán sỉ, bán lẻ như hiện nay cho thấy nông sản của ta dễ bị thị trường Trung Quốc ép giá như thế nào, còn trong nước thì giá cả bị đội lên cao và người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu”.

Được biết hiện nay, do thương lái Trung Quốc giảm thu mua, cua biển bán tại Cà Mau hiện chỉ còn 120.000-180.000 đồng/kg, giảm một nửa so với trước đây. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bị phá giá xuống thấp cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến các mặt hàng thủy sản xuất vào thị trường này rớt giá, trong đó có cua biển Cà Mau. Người nông dân đang bị thua lỗ do chi phí thức ăn, con giống quá cao mà con cua bán ra thì rẻ. Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi cua biển lớn nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bình quân mỗi năm lượng cua biển xuất khẩu (kể cả chính ngạch và tiểu ngạch) của riêng tỉnh này đã lên đến đến vài trăm nghìn tấn, gồm nhiều loại, trong đó thị trường chính là Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem