Cửa hàng thực phẩm an toàn: Vì sao vẫn khó mở rộng quy mô?

Ngọc Quỳnh Thứ bảy, ngày 26/09/2020 06:05 AM (GMT+7)
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đầu tư mở các cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bình luận 0

Tuy nhiên, việc mở rộng các cửa hàng này đang gặp không ít khó khăn bởi nhiều lý do, trong khi nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tràn lan trên thị trường.

Nguồn cung chưa ổn định

Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.800 siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn. Trong đó có những "tên tuổi" lớn như: Hệ thống Vinmart (có 44 siêu thị, hơn 800 cửa hàng tiện ích), Intimex (6 siêu thị), Co.op Food (57 cửa hàng) và rất nhiều cửa hàng tiện tích.

Cửa hàng thực phẩm an toàn:  Vì sao vẫn khó mở rộng quy mô? - Ảnh 1.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, nên nhiều gia đình đã chú trọng tìm, lựa chọn các đơn vị cung ứng rau an toàn, uy tín để mua. Ảnh: N.Q

"Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đang đối mặt với không ít khó khăn trong việc mở rộng kinh doanh vì so với chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm an toàn có chi phí đầu tư cao, như: Tiền thuê mặt bằng, nhân công, thiết bị bảo quản...".

Ông Tạ Văn Tường -

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội

Theo đánh giá của Sở NNPTNT Hà Nội, việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích về cơ bản bảo đảm. Tuy nhiên, việc phát triển các cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn lại là cả câu chuyện. Trước hết là nguồn vốn, bà Hoàng Thị Thúy, chủ cửa hàng chuyên bán nông sản thực phẩm an toàn ở quận Thanh Xuân cho biết: "Tôi rất muốn phát triển thêm 1-2 cửa hàng bán thực phẩm sạch, nhưng sau khi khảo sát thực tế thì phải dừng lại, vì ở những nơi đông dân cư, tiền thuê cửa hàng rất cao".

Cũng về vấn đề này, ông Vũ Hoàng Anh, chủ cửa hàng thực phẩm Nông Trang (quận Hà Đông) cho biết: Hiện nay, chuỗi thực phẩm Nông Trang có 5 cửa hàng, chuyên cung cấp các loại rau, thịt sạch cho người tiêu dùng và các bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, trong thời gian tới, đơn vị đang dự tính phải dừng 1-2 cửa hàng vì một số địa điểm có doanh số thấp, trong khi tiền thuê cửa hàng khá cao. "Các cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn chỉ có thể tồn tại khi có địa điểm ở gần khu vực đông dân cư và người dân có mức thu nhập cao"- ông Vũ Hoàng Anh nói. Ở góc độ của người tiêu dùng, bà Dương Thị Thanh Hoài (ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) nói: "Vẫn biết nông sản, thực phẩm bán ở các cửa hàng có chất lượng cao, nhưng thỉnh thoảng tôi mới mua cho trẻ nhỏ vì giá quá cao so với thu nhập của gia đình".

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực về vốn mới đủ sức đứng vững trên thị trường. Mặt khác, nguồn cung sản phẩm chưa ổn định, số lượng và chủng loại các mặt hàng rau, củ, quả còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng... Đây cũng là một khó khăn với các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực này.

Đâu là giải pháp?

Để mở rộng quy mô các cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho rằng, các cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn cần tăng cường liên kết vùng, tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn, sản xuất công nghệ cao, bền vững, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận GAP, GMP, HACCP... Đồng thời, các cửa hàng cần xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và cải tiến mẫu mã, bao bì để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và an tâm khi sử dụng, giảm giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Tiến Hưng- Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam đề xuất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện liên kết chuỗi, thu mua sản phẩm của nông dân sau đó bán tại hệ thống cửa hàng của doanh nghiệp. Đồng thời, có chính sách về vốn vay với lãi suất ưu đãi giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh cũng như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm.

Trong bối cảnh hiện tại, việc xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng đối với thực phẩm sạch cũng là một giải pháp cần được quan tâm. Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tạ Văn Tường cho rằng: "Các cửa hàng cần làm đầy đủ các giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ nơi sản xuất, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng". Các doanh nghiệp nên đổi mới phương thức tiêu thụ sản phẩm thông qua các mạng xã hội, giao hàng tận nhà... Hà Nội đang hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký, thông tin và kinh doanh sản phẩm tại chợ thương mại điện tử với tên miền www:chonhaminh.gov.vn để đẩy mạnh khâu tiêu thụ. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem