Của hiếm Nam Bộ: Loài cá thơm mùi lá dứa, giá gần 1 triệu đồng/kg, rất giàu dinh dưỡng
Của hiếm Nam Bộ: Loài cá thơm mùi lá dứa, giá gần 1 triệu đồng/kg, rất giàu dinh dưỡng
Nguyên An
Thứ tư, ngày 25/10/2023 14:29 PM (GMT+7)
Là một trong những đặc sản hiếm có ở miền sông nước Nam Bộ, cá dứa tự nhiên luôn được nhiều người săn lùng bởi hương vị thơm ngon phảng phất mùi lá dứa và giàu dinh dưỡng, dù có giá lên đến gần 1 triệu đồng/kg.
Nếu bạn có dịp ghé thăm các tỉnh thành miền Nam nước ta, chắc hẳn bạn cũng biết rằng loại thủy hải sản chủ lực ở đây chính là giống cá tra, cá basa. Hiện chúng đã được xuất khẩu tới rất nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại lợi nhuận kinh tế khổng lồ cho bà con địa phương.
Tuy nhiên chắc nhiều người không biết rằng vẫn còn có một loài cá cũng thuộc họ cá Tra nhưng về độ hot thì không hề kém cạnh so với cá tra truyền thống. Thậm chí hương vị của nó còn thơm ngon và sản lượng khan hiếm hơn rất nhiều, đó chính là đặc sản cá dứa nức tiếng của miền Tây Nam Bộ.
Cá dứa được nhiều người ưa chuộng bởi chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và dễ chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon.
Cá dứa có tên khoa học là Pangasius kunyit, là loài cá thuộc họ cá Tra, dân gian thường gọi chúng với cái tên là cá tra bần. Cá dứa được phân bố rộng khắp khu vực châu Á, đặc biệt là tại lưu vực sông Mê Kông hoặc vùng nước lợ, ngoài ra chúng cũng có thể sống được trong môi trường nước ngọt.
Cá dứa được đánh bắt tự nhiên, mùa cá chỉ kéo dài khoảng 4-5 tháng chứ không có quanh năm. Do sản lượng ít nên chúng ngày càng trở nên hiếm, khiến ai cũng muốn được một lần thưởng thức.
Theo các thương lái, giá cá dứa luôn xếp vào hàng đắt đỏ, thậm chí có loại gần 1 triệu đồng/kg, có tiền chưa chắc đã mua được bởi chúng rất hiếm. Vì vậy, ngày nay, cá dứa đã được nhân giống và nuôi phổ biến, có giá rẻ hơn nhiều so với cá tự nhiên.
Cá dứa bắt đầu mùa sinh sản vào tháng 4-5 âm lịch hàng năm, đến tháng 6-8 âm lịch thì sẽ đẻ trứng và tới tháng 10-12 âm lịch thì cá con sẽ đạt kích thước nhất định và tiếp tục tăng trưởng.
Theo những người nuôi cá dứa cho biết, chúng có thịt khá ngọt, mình chắc, béo ngậy, phảng phất thơm mùi dứa nhưng không hề bị tanh. Chúng cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cho con người như các loại chất béo có lợi, Omega 3, các vitamin A, vitamin D và vitamin E,...
Cá dứa chủ yếu được đánh bắt từ tự nhiên chứ rất ít được nuôi.
Cá dứa chủ yếu được đánh bắt từ tự nhiên chứ rất ít được nuôi. Tuy nhiên do tài nguyên sông Mê Kông ngày càng sụt giảm theo mỗi năm cho nên sản lượng cá dứa đánh bắt ngày một giảm dần. Do nhu cầu tìm mua để thưởng thức tăng cao khiến giá bán của cá dứa vì thế mà tăng phi mã.
Chị Nguyễn Ngọc - đầu mối chuyên bán hải sản ở Cần Giờ, cho biết, cá dứa vốn nổi tiếng thơm ngon, thịt săn chắc, thơm mùi lá dứa, độ béo ngậy vừa phải nên ăn không chán. Chúng luôn được xếp vào danh sách loại cá được tìm mua nhiều nhất, được nhiều người săn lùng để dành đi biếu tặng.
Theo chị Ngọc, đây là loài cá sống ở vùng nước động, vừa nước ngọt, nước mặn và vừa ở môi trường nước lợ. Chúng thường được đánh bắt ở vùng cửa sông Soài Rạp, ven rừng ngập mặn thuộc huyện Cần Giờ (TP.HCM) và Gò Công, Cần Giuộc (Long An). Những rừng cây ngập mặn như rừng bần, rừng mắm, rừng sác,... là nơi trú ngụ lý tưởng của loài cá này, bởi trái của chúng rụng xuống là món ăn khoái khẩu của cá dứa.
Nhờ nguồn thức ăn tự nhiên, sẵn có nên thịt cá dứa tự nhiên hấp dẫn hơn hẳn. Do vậy, chúng luôn được dân chài lưới săn tìm. Hơn nữa, cá dứa tự nhiên chỉ có từ tháng 8 đến tháng 12 nên sản lượng ngày càng ít và hiếm.
Hiện cá dứa tươi mới đánh bắt sẽ có mức giá dao động khoảng từ 300.000 đến 500.000 đồng/kg. Đối với cá dứa phơi khô một nắng sẽ có mức giá gấp đôi. Thậm chí có thời điểm khan hiếm cá dứa khiến cho giá bán lên tới gần 1 triệu đồng/kg.
Chính vì sản lượng cá dứa tự nhiên ngày một ít dần, thế nên nhiều hộ gia đình đã tiến hành nuôi dưỡng để bán ra thị trường. Mức giá đối với cá dứa nuôi chỉ rẻ bằng một nửa cá dứa tự nhiên, dao động trong khoảng từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg cá tươi mà thôi.
Do có giá trị cao, cộng với hình dáng gần giống với cá Tra thông thường cho nên nhiều người dễ bị nhầm lẫn và bị mua phải cá Tra chứ không phải là cá dứa. Vậy nên người mua hàng cần biết cách để phân biệt 2 giống cá này với nhau.
"Sản lượng cá dứa tự nhiên còn phụ thuộc vào ngư dân đi đánh bắt, có đợt nhiều thì tôi gom được 20-30kg, ít thì chưa đến chục cân. Hàng về bao nhiêu đều không đủ trả khách", chị nói.
Tương tự, chị Bùi Thị Huyền - đầu mối chuyên bán đặc sản cá dứa ở TP.HCM, cũng chia sẻ, những năm gần đây, cá dứa tự nhiên vô cùng hiếm và đắt đỏ, một phần do chất lượng cá thơm ngon, phần khác do đánh bắt rất khó khăn, mất nhiều công sức nhất là khi gặp mưa bão, biển động.
Do vậy, mỗi đợt thuyền về chị chỉ gom được hơn chục cân, các mối tranh nhau mua hết sạch. Nhiều khách nước ngoài muốn thưởng thức đặc sản này, mỗi lần họ đặt 10-15kg, chị phải bảo quản cá lạnh, hút chân không rồi gửi đi.
"Cá dứa một nắng tự nhiên tôi đang bán 680.000 đồng/kg, còn cá dứa một nắng nuôi giá rẻ hơn, 360.000 đồng/kg, khách phải đặt trước tầm nửa tháng. Do giá thành vừa phải lại có hàng thường xuyên nên cá dứa nuôi cũng được nhiều người ưa chuộng", chị nói.
Anh Hải Trần - đầu mối có nhiều năm kinh nghiệm bán các loại cá ở TP.HCM - chia sẻ, cá dứa là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, được nhiều người lùng mua, đặc biệt là loại cá dứa thiên nhiên có vị ngọt dai, thơm ngon hơn so với cá dứa nuôi và các loài cá da trơn khác.
Mỗi con cá dứa có trọng lượng khoảng 0,5-1kg, thường được chế biến thành các món như: cá dứa kho tộ, cá dứa chiên giòn hay nấu canh chua,...
Anh Hải lưu ý, do cá dứa thuộc họ cá tra nên chúng rất giống với cá tra, cá ba sa, khiến nhiều chị em nội trợ dễ nhầm lẫn, trong khi giá cá dứa đắt gấp 3-4 lần. Vì vậy, để phân biệt cá dứa với cá tra và cá ba sa, người tiêu dùng cần chú ý một số đặc điểm của chúng để tránh mua nhầm hàng.
Về màu sắc: Cá dứa thường có màu trắng bạc hoặc màu vàng nhạt, trong khi cá tra thường có màu hồng đến màu hồng cam. Màu sắc này có thể thay đổi tùy thuộc vào loại thức ăn và môi trường nuôi trồng.
Về gây gáy và màng mang: Cá dứa thường có vây gáy và màng mang ngắn hơn so với cá tra. Vây gáy của cá tra thường dài hơn và trái ngược màu với thân cá.
Về hình dáng: Cá tra thường có hình dáng thon dài hơn và mỏ hơi hướng lên trên, trong khi cá dứa có hình dáng ngắn hơn và mỏ hướng xuống.
Tuy nhiên, sự phân biệt dựa vào hình dáng và màu sắc có thể không được chính xác tuyệt đối. Trong thực tế, việc phân biệt giữa cá dứa và cá tra thường dựa vào các thông tin về nguồn gốc và nhãn hiệu của sản phẩm. Các sản phẩm cá tra và cá dứa thường phải có nhãn dán rõ ràng về nguồn gốc, giúp người tiêu dùng xác định chúng.
Ví như, cá dứa có sọc đen chạy dọc lưng ở hai bên còn hai loại cá kia không có. Cá dứa có vây nhỏ thon dài màu hồng nhạt, còn cá tra thì có vây cong, thô to màu xám. Nếu khô cá dứa mà bị cắt luôn cả vây thì người mua cũng nên thận trọng.
Ngoài ra khi chế biến cá dứa, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chúng có rất ít xương, chỉ cần lọc bỏ xương sống là được, đồng thời không hề có hoặc có rất ít mỡ dưới da. Trong khi đó, cá Tra có nhiều xương hơn, thớ thịt nhỏ, bụng nhiều mỡ và ăn không ngọt như cá dứa.
Cá dứa rất ít xương, nhiều thịt, chỉ có 1 đường xương sống nhỏ dễ cắt bỏ, không có lớp mỡ dưới da; còn hai loại cá kia phần bụng khá nhiều mỡ, thịt không ngọt dai như cá dứa. Đặc biệt, khô cá dứa mà có giá dưới 300.000 đồng/kg thì chị em nên thận trọng về nguồn gốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.