Cục An toàn thông tin cảnh báo những mối nguy đối với trẻ em trên môi trường mạng

Thành An Thứ ba, ngày 01/06/2021 11:35 AM (GMT+7)
"Trẻ em có thể bị xâm hại tình dục trên mạng bởi người mà trẻ biết hoặc không biết. Đồng thời, trẻ có thể cảm thấy mình không thể thoát khỏi việc bị xâm hại trên mạng. Kẻ xâm hại có thể liên lạc với các em bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu…", Cục An toàn thông tin cho hay.
Bình luận 0

Cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thể kết nối trực tuyến

Đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, thế giới số là môi trường giao tiếp mà bất kỳ một trẻ em nào cũng cần được tiếp xúc và đó là quyền để giao lưu trao đổi học hỏi, tận dụng những lợi ích mà internet mang đến cho xã hội.

Trẻ em trên thế giới nói chung và trẻ em Việt Nam nói riêng đã được tiếp cận với internet từ rất sớm, thực tế đã tồn tại song song cùng với sự hình thành của trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Vì sao kẻ xâm hại tình dục có thể liên lạc với các em bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu? - Ảnh 1.

Trẻ em trên thế giới nói chung và trẻ em Việt Nam nói riêng đã được tiếp cận với internet từ rất sớm, thực tế đã tồn tại song song cùng với sự hình thành của trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Thế giới quan của trẻ không còn bị thu hẹp trong khoảng không nhà trường, gia đình, trường học mà đã vươn đến các mối quan hệ vượt biên giới quốc gia.

Trẻ có thể truy cập các nguồn thông tin đa chiều, ngập tràn trên internet về giáo dục, thông tin y tế, điều này giúp trẻ tăng khả năng nghiên cứu về mọi chủ đề quan tâm và giúp các em bày tỏ ý kiến của mình đối với bạn bè, gia đình và xã hội.

Theo báo cáo gần đây nhất của Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam tại các thành phố lớn trên toàn quốc. Tại Việt nam có đến 96,9% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game.

Trẻ tiếp cận internet từ rất nhiều cách khác nhau như: Tiếp cận từ điện thoại di động của cá nhân (57,8%), máy tính ở nhà (45,9%), điện thoại di động của người thân (45,3%), ngoài quán internet (13,5%). Riêng nhóm học sinh trong nhà trường có một số trẻ trả lời được tiếp cận internet qua máy tính ở trường học (23,6%).

Trẻ sử dụng internet chủ yếu để học hành/ nghiên cứu (83,1%), xem phim/ca nhạc (71,5%), xem các chương trình giải trí/ đọc tin tức (70,9%), giao lưu, kết nối bạn bè (71,2%) và chơi trò chơi điện tử/ trực tuyến (58,7%).

Cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thể kết nối trực tuyến, trẻ có thể tiếp cận internet qua các thiết bị như điện thoại, máy tính của cá nhân, của người thân, ở trường và ngoài quán internet.

"Như vậy có thể thấy, tại Việt Nam số lượng trẻ tuổi thanh thiếu niên sử dụng mạng internet khá cao, trẻ sử dụng trong cả mục đích dành cho học hành nghiên cứu cũng như truy cập thông tin. Số tỷ lệ phần trăm cho cả hai mục đích này khá tương đương", Cục An toàn thông tin nhận định.

Xâm hại tình dục khiến trẻ em bị tổn thương tâm lý và cơ thể suốt đời

Theo Cục An toàn thông tin, trong những rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những rủi ro có thể dẫn đến tổn thương tâm lý và cơ thể suốt đời.

Trẻ em bị thuyết phục hoặc ép buộc để gửi hoặc đăng tải những hình ảnh tình dục của mình; tham gia những hoạt động tình dục thông qua webcam hoặc điện thoại thông minh; nói chuyện tình dục bằng tin nhắn hoặc lời thoại (sexting).

Vì sao kẻ xâm hại tình dục có thể liên lạc với các em bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu? - Ảnh 3.

Mạng xã hội có sức thu hút trẻ em rất lớn hiện nay.

Kẻ xâm hại có thể đe dọa sẽ gửi ảnh, video, thu âm hoặc đoạn tin nhắn đã được ghi lại cho bạn bè hoặc gia đình của trẻ nếu như trẻ không đồng ý tham gia những hoạt động tình dục tiếp theo.

Trẻ em có thể bị xâm hại tình dục trên mạng bởi người mà trẻ biết hoặc không biết. Đồng thời, trẻ có thể cảm thấy mình không thể thoát khỏi việc bị xâm hại trên mạng. Kẻ xâm hại có thể liên lạc với các em bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và những hình ảnh hoặc video về trẻ có thể được lưu trữ và chia sẻ với người khác.

Bóc lột tình dục trẻ em trên mạng là một hình thức xâm hại tình dục trẻ em xảy ra khi mục đích của việc xâm hại đó là vì tiền, quyền lực hay địa vị.

Bên cạnh đó, một số các hành vi xâm hại trẻ còn được thể hiện như dụ dỗ trẻ em trên mạng là những hành động ban đầu mà một người lớn sử dụng để thiết lập mối quan hệ thân thiết và tạo sự tin tưởng với trẻ em nhằm mục đích xâm hại tình dục hoặc bóc lột tình dục.

Trẻ em có thể bị dụ dỗ bởi người lạ hoặc cả người quen. Nhiều trẻ không biết mình đang bị dụ dỗ hoặc những hành động đó là xâm hại. Kẻ dụ dỗ có thể dùng các trang mạng xã hội, các ứng dụng để nhắn tin, trò chuyện hoặc qua các trò chơi trực tuyến kể kết nối với trẻ.

Kẻ dụ dỗ có thể dành nhiều thời gian tìm hiểu về sở thích của trẻ và sử dụng những thông tin đó để thiết lập quan hệ với trẻ. Kẻ dụ dỗ không nhất thiết phải gặp trẻ ngoài thực tế để xâm hại.

Bắt nạt trên mạng là việc một cá nhân hoặc một nhóm sử dụng công nghệ thông tin để cố ý, lặp đi lặp lại các hành vi gây hại cho trẻ em, khiến trẻ em không thể bảo vệ được bản thân.

Vì sao kẻ xâm hại tình dục có thể liên lạc với các em bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu? - Ảnh 5.

Trẻ em luôn đối mặt với nguy cơ bị xâm hại tình dục trên mạng xã hội.

 Các hình thức bắt nạt trên mạng với trẻ em rất đa dạng, bao gồm: Gửi tin nhắn đe dọa trẻ; Tạo và chia sẻ những hình ảnh hoặc video gây tổn thương cho trẻ; Loại trẻ ra khỏi nhóm trong các trò chơi trực tuyến, các hoạt động tập thể hay các nhóm; Thành lập các trang web hay các nhóm trên mạng để công kích một trẻ cụ thể; Khích lệ việc trẻ tự hủy hoại bản thân; Ủng hộ những hành vi gây tổn hại đến trẻ; Ăn cắp mật khẩu rồi truy cập vào tài khoản của trẻ để gửi hoặc đăng tải các hình ảnh, video, thông tin gây tổn hại đến trẻ; Đăng những nhận xét, bình luận ác ý hoặc quấy rối trẻ; Gửi những tin nhắn tình dục; Phát tán các tin đồn gây tổn hại đến trẻ thông qua tin nhắn, email, mạng xã hội.

Làm gì để bảo vệ trẻ trên mạng xã hội?

Cục An toàn thông tin cũng cho biết, trong những năm gần đây, với sự phát triển vượt bậc về công nghệ đã dẫn đến những thách thức mới trong vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Trong đó: Tiền kỹ thuật số (Cryptocurrency) và nền tảng truyền thông mã hóa đầu cuối (end-to-end encrypted platform) gây khó khăn cho lực lượng điều tra trong việc thu thập chứng cứ xâm hại tình dục; Hay Dark Web là những website được ẩn giấu, không được đánh chỉ mục từ các bộ tìm kiếm, được che giấu nội dung và chỉ truy cập được từ một số trình duyệt được phép (ví dụ Tor - The Onion Router)

"Do đó các chính sách, tiêu chuẩn, công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng phải xem xét các xu hướng công nghệ mới, các hình thức xâm hại và kỹ thuật mới để hạn chế các rủi ro và đảm bảo khả năng ứng phó và xử lý tội phạm xâm hại theo quy định của pháp luật. Theo báo cáo hình ảnh lạm dụng trẻ em trên không gian mạng năm 2018, Việt Nam có 706,435 báo cáo hình ảnh xâm hại trẻ em, chỉ đứng sau Indonesia trong khu vực. Việt Nam cần phải có các hoạt động kiên quyết hơn nữa để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng", Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.

Vì sao kẻ xâm hại tình dục có thể liên lạc với các em bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu? - Ảnh 6.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội, đòi hỏi các cơ quan chức năng, thầy cô, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ trang bị cho trẻ những kiến thức căn bản khi tham gia môi trường mạng.

Theo Cục An toàn thông tin, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV tháng 5/2020, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến trong thời đại số việc cấm trẻ em tham gia không gian mạng là hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ. Thay vì cấm, phải hướng trẻ đến kiến thức, kỹ năng để trẻ khai thác thông tin mạng an toàn.

Nhận thức được những ưu điểm và phòng ngừa rủi ro trong thời đại phát triển công nghệ số, Bộ TTTT đã giao Cục An toàn thông tin chủ trì xây dựng và đề xuất Đề án Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025 trình Thủ tướng Chính phủ.

Đề án được xây dựng căn cứ trên nhu cầu thực tế, nhất thiết cần xây dựng một môi trường internet an toàn cho trẻ em, một khảo sát đã được thực hiện nhanh với số lượng 1.025 trẻ em ở các độ tuổi, vùng miền khác nhau càng cho thấy mong muốn của người dân, đặc biệt các em nhỏ về nhu cầu sử dụng internet an toàn.

Trong hội thảo tham vấn ý kiến, xây dựng Đề án, Bà Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có ý kiến về thực trạng tình hình trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng tại Việt Nam và mong muốn Đề án sẽ là cơ sở cho các hoạt động phối hợp giữa các Bộ ban ngành, các doanh nghiệp công nghệ số, tổ chức xã hội... trong việc phối kết hợp, bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng.

Vì sao kẻ xâm hại tình dục có thể liên lạc với các em bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu? - Ảnh 7.

Khi trẻ em sử dụng mạng xã hội phải đảm bảo an toàn.

Cục An toàn thông tin cho rằng, để triển khai được các hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ là nhiệm vụ riêng của các cơ quan chính phủ (Bộ TTTT, Bộ LĐTBXH, Bộ GDDT…) mà đó là sự chung tay, phối kết hợp của các tổ chức (Unicef, Worldvision, Childfund, MSD….), doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Mỗi một đơn vị, một cá nhân đều đóng góp vào việc nâng cao nhận thức cá nhân công động trong việc tự bảo vệ mình, con em mình khi tham gia môi trường mạng để đảm bảo mỗi cá nhân được an toàn, bình đẳng khi sử dụng mạng internet…

"Một trong những biện pháp hiệu quả nhất mà cho đến nay không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia đang hướng tới là trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng.

Việc này đòi hỏi các cơ quan chức năng, thầy cô, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ trang bị cho trẻ những kiến thức căn bản khi tham gia môi trường mạng.

Bên cạnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp cần đặt mục tiêu tạo lập Hệ sinh thái sản phẩm ứng dụng Việt đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng, trong đó khuyến khích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp Việt Nam phát triển tại các cơ sở giáo dục, chăm sóc trẻ em.

Để tạo được Hệ sinh thái này, các doanh nghiệp số sẽ được hỗ trợ, khuyến khích phát triển sáng kiến, cung cấp các giải pháp kỹ thuật an toàn, thông tin bảo vệ trẻ em tương tác an toàn trên môi trường mạng", Cục An toàn thông tin cho hay.

Hiện nay, trẻ em chiếm đến 1/3 số người sử dụng internt trên toàn thế giới, những chủ nhân tương lai đang hình thành nhân cách và học hỏi những kinh nghiệm cả từ cuộc sống ngoài đời thực cũng như cuộc sống trên mạng.

Những rủi ro ngoài đời thực cũng như những rủi ro trên mạng có nhiều điểm khá tương đồng nhưng vẫn có những điểm khác biệt do sự khác biệt về tính chất vật lý giữa hai môi trường.

Theo báo cáo số liệu của UNICEF, thế giới có khoảng 2,2 tỷ người ở độ tuổi dưới 18, biến trẻ em thành nhóm đối tượng dễ tổn thương có dân số lớn nhất trong xã hội. Những rủi ro tiềm ẩn trẻ em phải đối diện trên internet bao gồm: Sự riêng tư và thông tin cá nhân của trẻ em; Văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; Xâm hại tình dục trẻ em, mại dâm trẻ em và buôn bán trẻ em; Bắt nạt trực tuyến; Trẻ em tiếp cận những nội dung có hại qua công nghệ thông tin và truyền thông; Sử dụng quá mức và nghiện.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem