Cục Điện ảnh nói gì về vụ "Người phán xử" làm tăng tội phạm, băng nhóm xã hội đen?

Hà Tùng Long Thứ tư, ngày 15/09/2021 15:32 PM (GMT+7)
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTT&DL) cho rằng, ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới cần được tôn trọng và lắng nghe. Tuy nhiên, cũng cần xem xét yếu tố bạo lực trong bộ phim "Người phán xử" không phải để cổ suý.
Bình luận 0

"Người phán xử" không cổ súy cho việc hình thành các băng nhóm tội phạm"

Chia sẻ với Dân Việt, ông Vi Kiến Thành cho rằng, ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về bộ phim “Người phán xử” sau khi phát sóng làm gia tăng các băng nhóm tội phạm, chưa xét đến chuyện hợp lý hay chưa hợp lý thì cũng nên được tôn trọng và lắng nghe. Và nếu đặt để ý kiến này trong văn hóa – nghệ thuật nói chung thì đó cũng là một hướng mở để xem xét, điều chỉnh các yếu tố mang tính bạo lực sao cho phù hợp, vừa phải.

Cục Điện ảnh nói gì về vụ "Người phán xử" làm tăng tội phạm, băng nhóm xã hội đen? - Ảnh 1.

Ông Vi Kiến Thành cho rằng, bộ phim "Người phán xử" không cổ súy bạo lực. Ảnh: VTV.

“Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ rằng, việc đưa một yếu tố mang tính bạo lực hoặc tiêu cực lên phim ảnh mà vừa đảm bảo được yếu tố giải trí, vừa không khiến khán giả bắt chước theo là một điều rất khó trong sáng tạo.

Trong nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng, người ta có thể phản ánh những vấn đề bạo lực hoặc tiêu cực đúng như hiện thực cuộc sống hoặc thậm chí hơn cả hiện thực – tức là hư cấu quá lên để đẩy xung đột đến tận cùng. Ví dụ như tận cùng của cái ác, tận cùng của sự khốc liệt hoặc tận cùng của sự thanh trừng.

Nhưng khi xem xét các yếu tố mang tính bạo lực hoặc rùng rợn trong một bộ phim thì phải xét xem cách nhà làm phim đưa yếu tố đó vào với mục đích gì. Các chi tiết đó có vì mục đích hướng thiện không? Các chi tiết đó mang lại những giá trị đẹp đẽ cho kết phim không? Các chi tiết đó có vì nhằm góp tiếng nói cảnh tỉnh và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn không?

Cho nên, xem xét một bộ phim là phải đặt trong toàn cục và phải thấy được cả những thông điệp mà phim hướng tới. Tôi vẫn tin là những bộ phim phát trên sóng truyền hình quốc gia của Đài Truyền hình Việt Nam không bao giờ có ý định cổ súy cho những băng nhóm giang hồ, cho sự thanh trừng hoặc những hành vi tiêu cực.

Tôi có theo dõi “Người phán xử” khi phim phát sóng. Tôi thấy việc kiểm duyệt các yếu tố bạo lực, rùng rợn, tiêu cực, nhạy cảm... trong phim rất chặt chẽ, nghiêm chuẩn. Tôi nghĩ là “Người phán xử” không cổ súy cho việc hình thành các băng nhóm tội phạm hoặc thanh trừng lẫn nhau như tội phạm.

Nhà làm phim có thể đưa ra các chi tiết hơi khốc liệt như: chặt ngón tay, giải phẫu xác người lấy thai nhi... Nhưng đó là những chi tiết mang tính đẩy cảm xúc lên cao trào và từ đó mà đưa ra các hướng giải quyết câu chuyện. Quan trọng là câu chuyện gợi mở những hướng giải quyết nhân văn không, hướng thiện cho từng nhân vật”.

Ông Vi Kiến Thành cũng bày tỏ rằng, phim ảnh là một tác phẩm nghệ thuật nên mỗi người xem sẽ có một cách cảm nhận khác nhau và cách lý giải khác nhau. Mỗi ý kiến đóng góp đều phải được ghi nhận và xem xét để điều chỉnh.

Tính định hướng trong các phim về hình sự là mang đến bài học cảnh tỉnh

Tương tự, chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn Mai Hồng Phong cũng bày tỏ rằng, bất kỳ một bộ phim nào gây được hiệu ứng mạnh mẽ đều sẽ xuất hiện những ý kiến trái chiều. Và ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới về phim “Người phán xử” cũng rất đáng tham khảo.

Cục Điện ảnh nói gì về vụ "Người phán xử" làm tăng tội phạm, băng nhóm xã hội đen? - Ảnh 2.

Đạo diễn Mai Hồng Phong cho rằng, phim về xã hội đen không có nghĩa là cổ súy mọi người học theo mà để thức tỉnh con người theo hướng thiện. Ảnh: VTV.

Tuy nhiên, dưới góc độ của một người nhiều năm làm đạo diễn phim truyền hình, NSƯT Mai Hồng Phong cho rằng, một bộ phim truyền hình khi làm ra phải đạt được độ chân thật. Vì phim ảnh bắt nguồn từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cuộc sống thì không thể được xa rời thực tế, sa đà vào hư cấu.

“Nếu mô tả một tổ chức tội phạm, một chân dung tội phạm hoặc chân dung một cô cave như “Quỳnh búp bê" của tôi chẳng hạn thì yếu tố đầu tiên là phải thuyết phục được khán giả bằng sự chân thật từ kịch bản, hình ảnh, tạo hình... Từ góc độ chân thực đó chúng tôi mới níu giữ được khán giả tiếp tục xem bộ phim và tuyên truyền những thông điệp mang tính xây dựng để hướng con người tới “chân – thiện – mỹ”.

Đạo diễn Mai Hồng Phong cũng cho biết thêm: “Định hướng của VTV nói chung và VFC nói riêng khi xây dựng những tội phạm, tổ chức phạm tội,... tưởng chừng có thể “xưng hùng xưng bá”, tưởng chừng có quyền lực đấy... nhưng cuối cùng đều có kết cục bi thảm, phải chịu sự trả giá của pháp luật, của chính bản thân và của chính gia đình. Phim ảnh quan trọng nhất là tính định hướng và những phim đề tài này của VFC đều mang đến bài học cảnh tỉnh, yếu tố giáo dục với xã hội”.

Theo đạo diễn Mai Hồng Phong, trong quá trình xây dựng tác phẩm, các nhà làm phim bao giờ cũng quan tâm đến liều lượng để cân chỉnh cho phù hợp với nhận thức xã hội. Ông luôn bảo lưu ý kiến, phim về xã hội đen không có nghĩa là cổ súy mọi người học theo mà để thức tỉnh con người theo hướng thiện.

Trước đó, tại phiên họp góp ý kiến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, sau khi phim “Người phán xử” phát sóng thì tình hình các băng nhóm tội phạm "xã hội đen" xảy ra rất nhiều. Ý kiến này ngay lập tức gây ra nhiều tranh luận trái chiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem