Cục trưởng Cục BVTV: Cần niêm yết công khai các quy trình kiểm dịch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

N.Dương Chủ nhật, ngày 15/10/2023 10:35 AM (GMT+7)
Tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu trên địa bàn quản lý của Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I, diễn ra chiều 14/10 tại Hải Phòng, doanh nghiệp cho rằng, một số thủ tục kiểm dịch còn gây khó khăn.
Bình luận 0

Cần hướng dẫn cụ thể từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm 

Cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Linh, đại diện Công ty TNHH CJ Foods Việt Nam - chi nhánh Hiệp Phước ở Hải Phòng - thắc mắc, tại Nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, có nêu sau khi kiểm tra thông thường đạt kết quả 3 lô hàng liên tục, sẽ chuyển sang kiểm tra giảm.

Ông Linh nói thêm, theo quy định của Nghị định 15, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I sẽ là đơn vị ra văn bản áp dụng từ hình thức kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm. Khi có văn bản này, cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp để quyết định việc kiểm tra như nào và kiểm tra bao nhiêu lô hàng/năm.

Cục trưởng Cục BVTV: Cần niêm yết công khai các quy trình kiểm dịch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp  - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) yêu cầu, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I phải niêm yết công khai các quy trình làm việc để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đến làm thủ tục. Ảnh: P.V

"Do vướng mắc từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm dẫn đến quá tải cho Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I. Cụ thể, 9 tháng năm 2023 đã có gần 15.000 lô hàng phải kiểm tra. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm nay sản lượng xuất nhập khẩu đã giảm mà vẫn quá tải như vậy, nếu năm sau hàng hóa nhiều thì Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I sẽ làm như thế nào cho doanh nghiệp", ông Linh băn khoăn.

Giải thích cho việc này, đại diện Phòng An toàn thực phẩm và Môi trường, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT - cho biết, điều 19 của Nghị định 15 quy định rất rõ, cơ quan hải quan sẽ là đơn vị thực hiện công việc kiểm tra giảm đối với các lô hàng của doanh nghiệp.

Cơ quan hải quan có trách nhiệm chọn ngẫu nhiên tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra giảm trong vòng 1 năm để kiểm tra hồ sơ theo quy định.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thông quan hàng hóa. Trường hợp yêu cầu bổ sung hồ sơ thì phải nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu.

Chốt lại vấn đề trên, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV nói: "Phòng An toàn thực phẩm và Môi trường cũng giải thích trên quy định của pháp luật. Cách thức giải quyết trong cùng một bộ cũng phải tương đồng. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chúng tôi sẽ có ý kiến chung chuyên ngành với cơ quan hải quan. Đồng thời chúng tôi sẽ rà soát lại và có hướng dẫn cụ thể đối việc chuyển từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm".

Cục trưởng Cục BVTV: Cần niêm yết công khai các quy trình kiểm dịch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp  - Ảnh 2.

Ông Lê Sơn Hà (bên trái), Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) giải thích các thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Ảnh: P.V

Chứng thư gửi qua email dễ bị làm giả

Cũng tại phần thảo luận, ông Vũ Tiến Thành, đại diện cho Công ty Thành Lâm (chuyên nhập khẩu gỗ tự nhiên) nêu một số vấn đề bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, theo ông, hiện nay Việt Nam chưa chấp thuận giấy chứng thư kiểm dịch thực vật điện tử. Hiện trên thế giới đã cấp chứng thư kiểm dịch điện tử cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, việc này rất thuận lợi và minh bạch. Ông Thành nêu thêm một bất cập nữa là việc tái xuất với những lô hàng có chứng thư kiểm dịch thực vật không hợp lệ sau 2 lần. 

Cụ thể, theo ông, hiện nay các doanh nghiệp nhập khẩu tài nguyên về cho đất nước từ một số quốc gia chưa phát triển ở khu vực châu Phi, châu Mỹ. Doanh nghiệp đã thanh toán toàn bộ tiền hàng để lấy chứng từ, trước khi làm kiểm dịch thực vật và thủ tục hải quan.

"Các doanh nghiệp không đủ chuyên môn để phân biệt chứng từ đó là hợp lệ hay không hợp lệ. Nếu vì điều kiện này mà doanh nghiệp bị tái xuất thì gây thiệt hại lớn, đe dọa trực tiếp sinh mạng doanh nghiệp và mất nguồn thu cho nước", ông Thành nói.

Ông Thành đề nghị, cơ quan nhà nước xem xét và có hình thức xử phạt hành chính đối với trường hợp trên để giảm thiểu rủi ro thiệt hại cho doanh nghiệp và nhà nước tăng được nguồn thu cho ngân sách.

Trả lời nội dung trên, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) giải thích, chứng thư điện tử kiểm dịch thực vật phải hai quốc gia kết nối với nhau để gửi qua mạng internet. 

"Chứng thư kiểm dịch thực vật gửi qua email, rồi doanh nghiệp in ra gửi cơ quan kiểm dịch thực vật rất dễ bị làm giả. Còn chứng thư kiểm dịch điện tử chống làm giả là hai quốc gia phải kết nối hệ thống điện tử với nhau, mã hóa và gửi qua hệ thống bảo mật", ông Hà giải thích.

Ông Hà nói thêm, hiện Việt Nam và hầu hết các quốc gia trên thế giới chưa kết nối hệ thống làm chứng thư kiểm dịch thực vật điện tử với nhau. 

"Giai đoạn Covid-19, ban đầu chúng tôi chấp nhận cho việc lấy bản chứng thư gửi qua email, sau đó gửi bản chính sau. Tuy nhiên, khi chúng tôi kiểm tra lại thì phần lớn các chứng thư gửi qua email đều bị làm giả. Để tháo gỡ cho doanh nghiệp, hiện Việt Nam đang đàm phán kết nối hệ thống trước mắt với các nước ASEAN để cấp chứng thư kiểm dịch thực vật điện tử, sau đó mở rộng kết nối với các nước khác", ông Hà nói thêm.

Kết luận hội nghị, ông Huỳnh Tấn Đạt yêu cầu thời gian tới, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I tiếp tục tăng cường phổ biến các văn bản quy định cũng như yêu cầu của các nước. Từ đó để các doanh nghiệp nhận thức được, hiểu rõ các quy định liên quan đến thủ tục kiểm dịch thực vật.

"Chúng ta phải nắm rõ các yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước, có hội đồng tư vấn kịp thời nhất để tránh rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp. Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I phải niêm yết công khai các quy trình làm việc để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đến làm thủ tục", ông Đạt yêu cầu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem