Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn xin lỗi và giới hạn kiên nhẫn

Văn Công Hùng Thứ tư, ngày 24/05/2017 05:30 AM (GMT+7)
Người ta thấy ở đây có 2 khả năng xảy ra, một là trình độ, năng lực của các vị ở Cục Nghệ thuật biểu diễn quá yếu, hai là các vị cố tình làm thế để... hành nhau. Cả 2 khả năng đều cùng không được phép tồn tại ở một cơ quan cấp cục ở một bộ rất sang là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Bình luận 0

Có chống chế đến đâu thì ai cũng thấy cái lỗi của lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn là quá rõ.

Chỉ trong vòng mấy tháng, Cục này nổi như cồn, chỉ xoay quanh một việc: Cấp phép và rút cấp phép - Dừng phổ biến và cho phổ biến.

Dân tình thấy những việc đã làm của Cục này là vô cùng hài hước, cảm giác “tốn cơm tốn gạo”, trừ chính những người trong Cục này, họ cứ hồn nhiên làm những chuyện “trời ơi đất hỡi” mãi. 

Mỗi khi có việc gì xảy ra thì đầu tiên là họ chống chế, thanh minh. Cuối cùng bí quá thì... đành xin lỗi. Nhưng là cái kiểu xin lỗi bị bắt buộc khi cấp trên yêu cầu. Và cũng rất, nói theo kiểu miền Nam bộ là... trớt quớt.

Hình như là họ cố tình làm như thế để tỏ cái sự... oai của mình. Cứ phải là xin rồi cho, xin rồi cho rồi nhưng có ai đó xin lại vẫn cho lại. Có người cho rằng, thực ra chưa chắc họ đã thích oai, mà phía sau đấy là việc “nặn cho lòi... mồ hôi” ra.

Ở các ngành khác như báo chí hay văn chương chẳng hạn, kể cả hội họa, nhiếp ảnh, nơi cũng có cái cục to oành như Cục Nghệ thuật biểu diễn quản lý, họ cũng không quản lý từng tác phẩm một cách buồn cười đến thế.

Không việc gì phải ngồi lập hội đồng duyệt từng bài hát rồi cho hay không, cứ loạn cả lên. Ngoài ra, thời gian ngồi chờ cấp phép thì soạn ra một bộ quy định, để những ai muốn hát, muốn phổ biến, tự soi vào đấy mà quyết định có hát, có phổ biến hay không và chịu trách nhiệm nếu như có sai phạm.

Nhưng như thế thì dân sẽ lại hỏi, ơ thế thì cái Cục ấy tồn tại làm gì?

Hình như nút thắt là ở chỗ này!

img

Tiến quân ca được Cục Nghệ thuật biểu diễn cho phép phổ biến rộng rãi

Ở quán cà phê sáng nay, mấy ông bạn cà phê biết tôi cũng là dân sáng tác, cũng có thơ được phổ nhạc, hỏi là mấy bài hát phổ nhạc ông đã được cấp phép phổ biến chưa? Tôi bảo thấy họ hát đầy đấy, hát lúc... nhậu, hát tự quay clip rồi đưa lên mạng, hát ở cả các cuộc chính thống như hội họp đến chỗ ồn ào như đám cưới có khi còn ở đám ma, chả thấy ai xin phép. 

Nhưng vừa rồi ông nhạc sĩ Diệp Chí Huy tổ chức biểu diễn ở Đà Nẵng, có một bài phổ thơ tôi thì phải xin phép, làm một danh sách những bài hát sẽ biểu diễn rồi xin phép, trong khi trước đấy, cũng chương trình ấy ông hát trong một quán cà phê ở Pleiku thì thấy... không xin phép.

Nhưng nếu trong khi biểu diễn khán giả yêu cầu hát thêm một bài không có trong danh sách ấy thì sao? Thì do ca sĩ xử lý, nếu bài ấy là Tiến quân ca, Màu hoa đỏ, Bước chân trên dải Trường Sơn, Chào em cô gái Lam Hồng, Chào sông Mã anh hùng, Bộ đội về làng, Biết ơn Võ Thị Sáu, Bình Trị Thiên khói lửa, Bài ca Trường Sơn, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây... thì tốt quá đi chứ. Kể cả những bài hát khác, nếu không quá dở, quá phản cảm... thì vẫn có thể hát.

Kể cả như cái cách mà ông Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương vừa lên tiếng xin lỗi trên báo chí thì ông vẫn cho rằng đây là việc làm khiến công chúng hiểu lầm. 

Tức ý ông là Cục không sai mà chỉ là chưa khéo nên mới hiểu lầm. Người bình thường cũng thấy rất rõ đây là ngụy biện, bởi nếu thế thì ngoài 300 bài các ông vừa đưa lên, còn những bài khác đương nhiên là không được hát bởi nó không nằm trong danh sách “được phổ biến”?

img

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương đã xin lỗi dư luận vì việc cập nhật danh sách hơn 300 bài nhạc đỏ lên website đã gây hiểu nhầm và bức xúc.

Người ta thấy ở đây có 2 khả năng xảy ra, một là trình độ, năng lực của các vị ở Cục Nghệ thuật biểu diễn quá yếu, cả về quản lý nhà nước và chuyên môn nghệ thuật, hai là các vị cố tình làm thế để... hành nhau.

Cả 2 khả năng đều cùng không được xảy ra, không được phép tồn tại ở một cơ quan cấp cục ở một bộ rất sang là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Thế nên, chẳng đặng đừng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phải lên tiếng trong khi đáng lý, sự việc lùm xùm đến mấy lần như thế, nhẽ ra, nơi đầu tiên phải cầu thị là Cục Nghệ thuật biểu diễn, rồi đến lãnh đạo Bộ này. 

À mà ngay lần đầu tiên xảy ra vụ cấm 5 ca khúc thì Thứ trưởng Vương Duy Biên đã lên tiếng rồi. Nhưng chả biết hiệu lực của thứ trưởng đến đâu mà sau đấy vẫn đến vụ cấp phép cho “Nối vòng tay lớn” và giờ là đến cho phép phổ biến Tiến quân ca.

Rất nhiều người lên tiếng trên các diễn đàn, báo chí là phải xem lại cách làm và cả chức năng của Cục này, thậm chí có nhiều người kêu gọi lãnh đạo cục từ chức. 

Nhưng cũng có người điềm tĩnh hơn thì lại... hài hước: Đừng, cứ để đấy, lâu lâu dân ta lại có cớ để... cười!

Nhiều chuyện căng thẳng rồi, lâu lâu được cười, xả stress cũng tốt mà. Cái lão tưởng điềm tĩnh này té ra lại chả điềm tĩnh gì, nó khiến chúng ta sửng cồ lên vì... không thể điềm tĩnh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem