Cúm gia cầm biết đâu là “cơ hội” cho nông sản sạch

Ngọc Trần Thứ bảy, ngày 04/03/2017 10:55 AM (GMT+7)
Tại cuộc giao lưu trực tuyến "Đối phó với cúm gia cầm biến thể mới bằng cách nào?", ông Đàm Xuân Thành - Cục phó Cục Thú y khẳng định các trang trại chăn nuôi công nghệ cao, khép kín trong đợt dịch như Ba Huân hay Dabaco chẳng hạn không hề bị ảnh hưởng, sản phẩm vẫn an toàn tuyệt đối, cho thấy chăn nuôi công nghệ cao có lợi thế lớn.
Bình luận 0

Cụ thể, theo ông Đàm Xuân Thành, tính tới ngày 2.3, cả nước có các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 14 hộ chăn nuôi thuộc 10 xã của 7 tỉnh chưa qua 21 ngày (Cúm A/H5N1 xảy ra tại 9 hộ của 7 xã và Cúm A/H5N6 xảy ta tại 5 hộ chăn nuôi của 3 xã), cụ thể: Bạc Liêu (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long (đã qua 10 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 2.785 con;

img

Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y.

Nam Định (cúm A/H5N1) thì dịch xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi thuộc xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh (đã qua 19 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 5.185 con; An Giang (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Phú Mỹ Đông, huyện Thoại Sơn (đã qua 13 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 80 con;

Sóc Trăng (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú (đã qua 9 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 945 con; Đồng Nai (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Suối Trầu, huyện Long Thành (đã qua 14 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 5.000 con;

Nghệ An (cúm A/H5N1), dịch xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi của 2 xã: Xã Diễn Nguyên, Huyện Diễn Châu, dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi (đã qua 17 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 72 con và xã Diễn Cát, Huyện Diễn Châu, dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi (đã qua 12 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy 50 con. Cuối cùng, tỉnh Quảng Ngãi (cúm A/H5N6): Dịch xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi của 3 xã.

“Toàn bộ gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được cơ quan thú y và chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy; đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng ổ dịch; quản lý vùng có ổ dịch; kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn; tuyên truyền để người dân hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc giám sát, phát hiện và xử lý dịch kịp thời” – ông Thành cho biết.

Ông Thành nhìn nhận về nguy cơ cúm A/H5N1, A/H5N6 rằng nhìn chung, các địa phương đã khống chế tốt các ổ dịch, không để lây lan rộng và không lây bệnh cho người, mức độ thiệt hại cho ngành chăn nuôi gia cầm là không đáng kể, tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi gia cầm. Cúm gia cầm có khi còn là “cơ hội” cho nông sản sạch vì những doanh nghiệp cung cấp giống sạch, thịt gia cầm an toàn đã qua kiểm dịch, xác nhận sẽ được người tiêu dùng lựa chọn.

“Dự báo trong thời gian tới, các ổ dịch có thể vẫn phát ra rải rác tại một số địa bàn có nguy cơ cao, đặc biệt khu vực nuôi nhiều thủy cầm, xung quanh chợ buôn bán gia cầm sống, khu vực có ổ dịch cũ; Đến nay, dịch cúm gia cầm tại Việt Nam đã trở thành dịch địa phương với đặc điểm các ổ dịch phát sinh rải rác, lẻ tẻ” - ông Đàm Xuân Thành cho hay.

“Người dân cứ an tâm sử dụng thịt gia cầm an toàn từ những doanh nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, không ham rẻ. Nông dân nên sử dụng con giống từ các công ty như Ba Huân, thịt trứng gia cầm từ những đơn vị như Ba Huân thì cứ an tâm mà sử dụng” – ông Đàm Xuân Thành khẳng định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem