Bạn đọc Hoài Nam (Quảng Ninh) hỏi: Cúm A/H5N1 và H7N9 là gì, độ nguy hiểm thế nào?
Bác sĩ -Ths Vũ Ngọc Long - Trưởng phòng Kiểm dịch Y tế biên giới (Cục Y tế dự phòng) trả lời: Cúm A H5N1( cúm gia cầm) là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, do virus cúm A, chủng H5N1, thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra.
Triệu chứng khi bị cúm H5N1: Người bệnh nhiễm cúm A H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Mùa đông thời tiết trở lạnh là dịp cao điểm dễ bùng phát thành dịch. Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm gia cầm H5N1 thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng. Sau đây là một số triệu chứng cơ bản:
• Sốt cao liên tục trên 39 độ C, đau đầu.
• Đau mỏi cơ, đặc biệt là đau tăng khi ho
• Ho, đau họng.
• Đau nhức cơ bắp.
• Viêm màng kết.
• Một số bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn, khó thở
• Ngoài ra bệnh nhân có thể tức ngực, tim đập nhanh, nhịp thở thanh, dần dần bệnh nhân bị suy hô hấp dẫn đến suy đa phủ tạng, dẫn đến tử vong.
Do diễn biến nhanh và tính chất nghiêm trọng của bệnh, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong.
- Cúm A/H7N9 là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus cúm A/H7N9 trên gia cầm lây sang người. Bệnh tiến triển rất nhanh nên không được chủ quan khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.
Triệu chứng nghi ngờ mắc cúm A/H7N9:
+ Sốt cao 39 - 40 độ C.
+ Đau mỏi các khớp xương, nhức đầu, buồn nôn, nôn.
+ Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm long đường hô hấp trên như sổ mũi, hắt hơi, đau họng…
+ Ho, tức ngực, khó thở tăng dần.
+ Các triệu chứng suy hô hấp: tím môi, đầu chi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp.
+ Các biểu hiện nặng, nguy kịch bao gồm: thiểu niệu hoặc vô niệu, phù, suy tim, đông máu nội quản rải rác, suy gan nặng, hôn mê…
+ Chụp X-quang phổi thấy có hình ảnh tổn thương giống như do cúm A/H5N1: các đám mờ không đồng đều, lúc đầu thường xuất hiện ở một thùy phổi sau lan ra khắp 2 phổi nếu không được điều trị kịp thời. Mức độ tổn thương phổi trên phim X-quang cũng tương ứng với độ nặng, nhẹ của bệnh nhân trên lâm sàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.