Cung cấp ảnh chân dung để ngăn chặn hơn 260 triệu tin nhắn rác?

Phi Long Thứ năm, ngày 12/04/2018 16:32 PM (GMT+7)
Thống kê của Bộ TTTT, từ tháng 5.2017 đến tháng 3.2018, số tin nhắn rác được chặn trên toàn mạng là khoảng 260 triệu và đặc biệt số lượng tin nhắn rác đã giảm đi đáng kể. Do đó việc cập nhập thông tin của chủ thuê bao và chụp ảnh là nhằm mục đích tiến tới chặn toàn bộ tin nhắn rác.
Bình luận 0

img

Yêu cầu chủ thuê bao chụp ảnh chân dung để ngăn chặn 260 triệu tin nhắn rác? (Ảnh: IT)

Các nhà mạng “căng mình” chụp ảnh

Trong vai người đi chụp ảnh chân dung để cập nhật thông tin đăng ký thuê bao, chúng tôi tìm đến một đại lý của Viettel trên phố Giải phóng mới thấy được sự tất bật của các nhân viên ở đây. Ngay từ cửa, đã thấy sự vất vả của những anh bảo vệ khi lượng xe cộ đã chật cứng, không còn chỗ để đỗ xe.

Chị Nguyễn Thị Nhung, nhân viên tại đại lý của Viettel này chia sẻ: “Từ mấy hôm nay ngày nào cũng có lượng khách hàng tới rất đông, trong đó chủ yếu là làm thủ tục bổ sung hồ sơ, chụp ảnh chân dung nên nhiều công việc khác như kích hoạt sim mới hay các hỗ trợ khách hàng khác nếu không quá gấp đều được nhân viên “khất” lại để làm sau giờ hành chính”.

Trước đó, Viettel đã đưa ra thông báo, chủ thuê bao của mạng này bắt buộc phải cập nhật hình chân dung và thông tin CMND lên hệ thống của nhà mạng trước ngày 24.4, để phục vụ chuẩn hóa thông tin nhằm bảo vệ thuê bao chính chủ.

Đại diện Viettel cũng cho biết, với các thuê bao đang thiếu thông tin chính chủ, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn thông báo tới từng số thuê bao. Việc hoàn thiện thông tin có thể thực hiện tại các đại lý hoặc qua ứng dụng trên điện thoại thông minh theo hướng dẫn.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, đối với việc ngăn chặn phát tán tin nhắn rác trên mạng di động, sau 10 tháng triển khai (từ tháng 5.2017 đến 2.2018), số tin nhắn rác được chặn trên toàn mạng là khoảng 260 triệu. Đặc biệt, thống kê cũng cho thấy số lượng tin nhắn rác đã giảm đi đáng kể. Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), tổng lượng phản ánh tin nhắn rác trên đầu số 456 năm 2017 giảm khoảng 86% so với năm 2016.

Tương tự như Viettel, các nhà mạng khác cũng đã đẩy mạnh triển khai cập nhận thông tin chứng minh thư và chụp ảnh để bổ sung thông tin của khách hàng.

Trao đổi với Dân Việt, đại diện VinaPhone cho biết, cũng đã có khuyến nghị khách hàng khẩn trương tới các điểm giao dịch của VinaPhone để hoàn thiện việc đăng ký bổ sung thông tin thuê bao trước ngày 24.4.2018.

Đây là quy định nhằm quản lý thuê bao di động chặt chẽ hơn tránh tình trạng SIM rác, và giúp bảo vệ thông tin của khách hàng tốt hơn. Hiện tại theo quy định của Nghị định 49 sau ngày 24.4.2018 số thuê bao chưa cập nhật đủ thông tin có khả năng sẽ bị khóa 1 chiều.

“Để hỗ trợ khách hàng hoàn thiện thông tin thuê bao, VinaPhone sẽ mở tăng giờ phục vụ tại các điểm giao dịch trên toàn quốc đến 21h00 hàng ngày, đồng thời mở thêm nhánh 3 của tổng đài để tiếp nhận và giải đáp và tư vấn hướng dẫn khách hàng cập nhật thông tin thuê bao”, đại diện Vinaphone cho biết.

Tuy nhiên, từ việc triển khai Nghị định này, không ít người bày tỏ lo lắng về việc chụp ảnh chân dung, cung cấp thông tin cho nhà mạng làm sao bảo đảm được bảo mật thông tin cho khách hàng.

Trước tình hình đó, VinaPhone cam kết: Quy trình quản lý thông tin thuê bao tại VinaPhone đang được tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của bộ TT&TT, và các quy định bảo mật thông tin của Nhà nước. VinaPhone khẳng định, thông tin thuê bao được đăng ký, lưu giữ thống nhất, tập trung, tin cậy, sử dụng đúng mục đích và đảm bảo bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật. Nếu thông tin khách hàng bị lộ, được xác minh chính xác nguồn tin từ phía VinaPhone, nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, việc bảo vệ thông tin cá nhân còn là trách nhiệm của cá nhân đó, vì vậy VinaPhone mong muốn khách hàng cẩn trọng hơn trong việc bảo mật thông tin cá nhân của mình.

Ngăn chặn 260 triệu tin nhắn rác

Lý giải về những băn khoăn của những người sử dụng thuê bao di động trong những ngày qua khi phải mang chứng minh thư đi đăng ký và chụp ảnh, đại diện Bộ TTTT cho rằng, việc triển khai bổ sung các thông tin thuê bao là nhằm để quản lý thông tin thuê bao chặt chẽ hơn, từ đó ngăn chặn vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác.

img

Các nhà mạng đang gấp rút hoàn tất cập nhật thông tin khách hàng, chụp ảnh chân dung trước ngày 24.4 (Ảnh: IT)

Theo báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ TTTT) bắt đầu từ cuối tháng 10.2016, 5 doanh nghiệp viễn thông gồm: VNPT, Viettel, MobiFone, Gmobile, Vietnamobile đã thỏa thuận, thống nhất ký Bản cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối của các doanh nghiệp viễn thông di động.

Sau gần 1 năm triển khai Bản cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, tổng số thuê bao có dấu hiệu nghi vấn là hơn 28 triệu, sau đó đã có khoảng 4 triệu SIM thuê bao đã đi đăng ký lại thông tin (sau khi nhận được thông báo từ doanh nghiệp viễn thông) hoặc đã bị hủy, khóa (do hết hạn sử dụng); tổng số thuê bao bị khóa tài khoản, thu hồi là hơn 24 triệu, tình trạng SIM có sẵn tài khoản khủng, SIM được khuyến mại vượt mức giảm rõ rệt. Sau đó, giải pháp thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối đã tạm thời dừng để doanh nghiệp tập trung thực hiện các quy định của Nghị định 49 của Chính phủ.

Một số nhà mạng thừa nhận, từ việc triển khai Nghị định 49 của Chính phủ, không ít người bày tỏ lo lắng về việc chụp ảnh chân dung, cung cấp thông tin cho nhà mạng làm sao bảo đảm được bảo mật thông tin cho khách hàng.

Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết, đối với việc ngăn chặn phát tán tin nhắn rác trên mạng di động, sau 10 tháng triển khai (từ tháng 5.2017 đến 2.2018), số tin nhắn rác được chặn trên toàn mạng là khoảng 260 triệu. Đặc biệt, thống kê cũng cho thấy số lượng tin nhắn rác đã giảm đi đáng kể. Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), tổng lượng phản ánh tin nhắn rác trên đầu số 456 năm 2017 giảm khoảng 86% so với năm 2016.

Theo một lãnh đạo của VNCERT, từ tháng 5.2017, 5 doanh nghiệp viễn thông lớn đã thống nhất 160.000 mẫu tin nhắn (trước đó chặn riêng lẻ, dẫn đến lỗ hổng là các nhà mạng ném rác sang nhau) và các nhà mạng chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung. Sau khi đưa hệ thống ngăn chặn thông minh và chia sẻ dữ liệu dùng chung, Viettel đã chặn hơn 41,6 triệu tin nhắn rác từ các nhà mạng trong năm 2017 và hơn 18,1 triệu tin nhắn rác trong 3 tháng đầu năm 2018; Vinaphone chặn hơn 138,1 triệu năm 2017 và chặn hơn 4,4 triệu trong 3 tháng đầu năm 2018; …

Theo Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn, việc triển khai tốt Nghị định 49 của Chính phủ là nhằm mục tiêu ngăn chặn tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, đồng thời quản lý thuê bao chính xác. “Việc ngăn chặn SIM rác, mua bán SIM kích hoạt sẵn và tăng cường quản lý thông tin thuê bao là vấn đề rất cần thiết, không chỉ đảm bảo chính xác cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người sử dụng dịch vụ viễn thông”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem