Cùng chuyên gia Nhật Bản vực dậy thương hiệu cam sành Tam Bình

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 17/07/2014 06:55 AM (GMT+7)
Thương hiệu cam sành Tam Bình lâu nay nổi tiếng nhất xứ miền Tây, thế nhưng theo thời gian mặt hàng nông sản này ngày dần vắng bóng. Ngành nông nghiệp Vĩnh Long đang phối hợp với các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản nhằm khôi phục lại loại nông sản này. 
Bình luận 0

Lụi tàn vì dịch bệnh

Lão nông Trần Thành Đước, ở xã Tường Lộc, than thở: “Vì bệnh vàng lá thối rễ tấn công mạnh quá nên chúng tôi trồng cam được khoảng 3 năm là đốn bỏ, người nào để lâu lắm cũng là 4 năm nhưng cũng khó có ăn. Riêng gia đình tôi có 1ha cam mới trồng được hơn 2 năm cũng đã có vài cây cây bị bệnh.

Những cây này phải đốn bỏ, nếu không sẽ lây bệnh qua cây khác”. Còn ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ ở xã Mỹ Thạnh Trung thì cho biết: “Vài năm trước đây những ngày này rất nhộn nhịp cảnh mua bán cam. Giờ đây lâu lâu mới thấy có thương lái đi ngang và có vài xe mua được vài chục kg cam sành”.

Theo một số chủ vựa, nhu cầu của thị trường trong nước và các nước bạn đối với các loại trái cây có tính giải nhiệt rất lớn, đặc biệt là cam sành Tam Bình nhưng do diện tích sản xuất ít nên chưa đáp ứng được.

Ông Nguyễn Văn Thả - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tam Bình cho biết: “Thời hoàng kim của cây cam sành Tam Bình là cách đây 7 năm, với tổng diện tích trên 3.000ha. Thế nhưng, diện tích này giảm dần qua các năm và hiện chỉ còn trên 1.600ha. Nguyên nhân là do người dân thiếu kỹ thuật, không có người lao động chăm sóc dẫn đến cây bị bệnh chết”.

Không phát triển tự phát

Để vực dậy thương hiệu cam sành vốn nổi tiếng từ nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã và đang phối hợp với các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản triển khai Dự án Jica (Tăng cường hệ thống khuyến nông để áp dụng hệ thống canh tác và kỹ thuật trồng trọt hiệu quả hơn) trên 20,2ha cây cam sành với khoảng 40 hộ dân ở 2 xã Bình Ninh và Ngãi Tứ.

Tham gia mô hình người dân được hỗ trợ vốn lên liếp, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây cam sành sạch bệnh, được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam. Theo một số hộ dân tham gia dự án thì bên cạnh được hỗ trợ vốn đầu vào thì thời gian cam để trái cũng sớm (khoảng tháng thứ 28).

Theo kỹ thuật trồng của dự án thì chất lượng trái cam rất tốt, lớn, có màu xanh lục, bóng đẹp, múi cam màu vàng, mọng nước và có vị ngọt nên được nhiều thương lái tìm mua, đặc biệt là tỷ lệ nhiễm bệnh vàng lá thối rễ giảm khoảng từ 60-70%.



 Ông Nguyễn Văn Thả
   
Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nông dân không nên sản xuất cam một cách tự phát mà phải theo quy hoạch; phải có sự liên kết, thành lập các HTX, tổ hợp tác để tạo ra sản phẩm có chất lượng”.
 
Mới đây, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ nhà vườn vùng chuyên canh cây cam sành của huyện Tam Bình, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa giao cho HTX Hoàn Thiện (thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình) độc quyền sử dụng thương hiệu “Cam sành Tam Bình” thu mua sản phẩm.

 

Đồng thời, giao nhiệm vụ cho HTX này kết nối với một số nhà vườn lớn, các chủ vựa trong huyện, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đầu ra ổn định cho cây cam.

 

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cam theo Dự án Jica. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật quản lý dịch hại, giúp bà con hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh vàng lá thối rễ gây ra. Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nông dân không nên sản xuất cam một cách tự phát mà phải theo quy hoạch; phải có sự liên kết, thành lập các HTX, tổ hợp tác để tạo ra sản phẩm có chất lượng” – ông Thả nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem