Cùng “Thở” với những rung động đầy chất thiền của họa sĩ Hiền Nguyễn

M.T Thứ hai, ngày 07/10/2019 16:59 PM (GMT+7)
Đứng trước một dòng sông, một đóa ưu đàm, hay một hoàng hôn run rẩy nhiều xáo động, người ta hẳn sẽ phải hít thật sâu một hơi vào lồng ngực. Bởi đó là cái đẹp, qua tranh sơn mài của họa sĩ Hiền Nguyễn, chợt sáng bừng lên hoặc u buồn nhẫn nại, hoặc đang kể một câu chuyện của cuộc đời vô thường.
Bình luận 0

Sau thành công của triển lãm “Ủ” tháng 4 năm nay, ngày 6/10, họa sĩ Hiền Nguyễn khai mạc tiếp triển lãm “Thở” tại  Eight Gallery, TP.HCM.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng những tác phẩm những tranh sơn mài mới nhất trên vóc và trên toan… “Tôi đã trải qua 15 năm thực nghiệm và tìm tòi chất liệu sơn mài, từ những kiến thức học được từ nhà trường, và từ kinh nghiệm thực tế. Mỗi bước đều là quá trình tìm cho mình một con đường sáng tạo qua nhiều khuynh hướng thể hiện khác nhau. Tôi mong muốn qua những tác phẩm của mình chia sẻ với bạn bè và công chúng, cái nhìn và những cảm xúc riêng của tôi với cuộc sống" - Hiền Nguyễn cho biết.

img

Họa sĩ Hiền Nguyễn.

“Hiền Nguyễn vẽ phong cảnh thực tế theo cảm quan của tranh sơn dầu (bằng sơn mài), một số  có tính biểu hiện, rồi chuyển dần sang tranh trừu tượng, và thành công ở tranh trừu tượng hơn” – Phan Cẩm Thượng nhận định.

 Theo họa sĩ Nguyễn Quân, “Nghệ sĩ hay nói: Vẽ với tôi cần thiết và tự nhiên như hít thở. Cũng nói khi vẽ: Hãy để cho màu nó thở, bố cục thông thoáng dễ thở, đường nét, tối sáng, khối hình... đều phải thở thì bức tranh mới sống động, mới có sự sống. Đặc biệt với sơn bóng lóa, sặc sỡ trang trí theo khuôn mẫu hoa văn, biểu tượng, kỹ thuật tỷ mẩn, kỳ khu, thì làm cho nó biết thở không phải dễ. Ai vẽ sơn mài cũng mong được thở và thở được! Ở những tác phẩm thành công của mình, Hiền Nguyễn đã toại nguyện".

Gần đây những đề tài trong tranh của Hiền Nguyễn lại xuất phát từ triết lý Phật giáo, từ seri Hoa ưu đàm, Vô thường, Hóa thân…

img

Hoa ưu đàm - tranh Hiền Nguyễn.

Lý giải vì sao tranh của Hiền Nguyễn phảng phất tinh thần Phật giáo, nhà phê bình Nguyễn Quân cho biết: “Tác giả gọi một số trừu tượng của mình là “vô thường”. (Nại đến Phật học - thiền cũng là một  “trend” trong giới nghệ sĩ hiện nay nói chung). Sao phải níu kéo, ôm ấp lấy những cái vô thường, sao nói buông bỏ để trầm mình vào hư vô mà lại vồ vập, hân hoan hay đau đớn nhường kia!?

Những bức sơn mài trên vải của Hiền Nguyễn lần này là sự khẳng định cuộc đời đầy khao khát nhục cảm, hoan lạc, chất biểu hiện mạnh hơn khi vẽ trên vóc cổ truyền. Nghệ sĩ hay tuyên bố: Chỉ vẽ cho mình để hiểu chính mình. Có thật thế không? Nhất là trong thị trường nghệ thuật ngày nay? Không biết mình sao biết đời. Không biết đời sao biết mình. Nghệ thuật lôi cuốn tôi bởi cái vòng “luẩn quẩn” ấy đấy”.

img

Một dòng sông.

Qua những tác phẩm sơn mài, Hiền Nguyễn đã chứng minh sức biểu cảm của chất liệu và kỹ thuật truyền thống là vô hạn, không nhất thiết phải đi tìm sự phối ghép, đôi khi không ăn nhập, với những chất liệu phi truyền thống. Đặc biệt, việc sử dụng chất liệu công nghiệp (như polysite) không đạt được hiệu quả độc đáo khi sử dụng kỹ thuật chồng màu, qua công đoạn ủ và mài. Những lớp màu chồng lấn lên nhau, tan vào hoặc tách ra, ẩn hiện, tạo hiệu quả chiều sâu rất thu hút.

Triển lãm "Thở" của họa sĩ Hiền Nguyễn khai mạc vào lúc 18 giờ ngày 6/10 cho đến hết ngày 30/10 tại Eight Gallery, số 8 Phùng Khắc Khoan, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM.

img

img

Nữ họa sĩ Hiền Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Thu Hiền, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Hiện Nguyễn Hiền hoạt động nghệ thuật tại Hien Nguyen Studio (TP.HCM), nơi định kỳ giới thiệu tác phẩm mới với bạn bè, đồng nghiệp và các nhà phê bình vào tháng 12 hằng năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem