Cùng vui ca hát, cùng chăm làm giàu

Thứ sáu, ngày 03/02/2012 15:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau những giờ trồng mía, mì, cao su... hội viên nông dân ấp Phước Hiệp, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh có thú vui là tham gia đàn, hát đờn ca tài tử.
Bình luận 0

Năm 1982, ông Nguyễn Văn Hoàng xuất ngũ về quê ở xã Phước Ninh. Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng triển khai. Ông Hoàng nhớ lại: “Chúng tôi hồ hởi đào đắp kinh đón nước hồ vào đồng ruộng. Để động viên tinh thần lao động của ND, xã Phước Ninh thành lập đội văn nghệ và nhiều ND xung phong tham gia”.

img
Một buổi sinh hoạt của CLB đờn ca tài tử.

Góp tiền, góp nhạc cụ... để hát

Hơn 20 năm sau, đội văn nghệ ấy vẫn thường xuyên tham gia biểu diễn trong các ngày lễ, hội, dịp tết... Lấy văn nghệ là hoạt động sinh hoạt tinh thần cho ND, đầu năm 2011 Ban chấp hành Hội ND xã Phước Ninh thành lập CLB đờn ca tài tử (ĐCTT), chọn chi hội Phước Hiệp làm điểm đầu tiên.

Hay tin chi hội tổ chức CLB ĐCTT, vợ chồng ND sản xuất kinh doanh giỏi Nguyễn Anh Kiệt cho mượn mặt bằng (thường dùng bán giải khát), loa, amply, nhạc cụ và cả hai đầu quân vào CLB. Anh Kiệt được hội viên bầu làm chủ nhiệm CLB, Chi hội trưởng Nguyễn Văn Ngà làm thư ký.

“Hội viên đều là những ND yêu văn nghệ, không đòi hỏi quyền lợi, tự giác góp quỹ xây dựng tài chính cho CLB” - ông Ngà cho biết. Nhờ số tiền hàng tháng Hội ND xã hỗ trợ và các thành viên đóng góp, CLB ĐCTT đã sắm được các nhạc cụ như dàn trống da, đàn sến đệm cho ca cổ, ghi-ta phím lõm...

Để CLB hoạt động nề nếp, có nội dung thiết thực, Ban chủ nhiệm đề ra quy chế rất cụ thể. Vào tối ngày 16 âm lịch hàng tháng, các thành viên tổ chức sinh hoạt, nội dung là bàn về sản xuất, trình bày nguyện vọng đối với các vấn đề về sản xuất, đời sống... Sau giờ sinh hoạt chuyển thì sang đàn, hát những bản nhạc cải lương truyền thống, kết hợp tân nhạc. Với nội dung đó, các buổi sinh hoạt thu hút hàng trăm ND, thanh thiếu niên dự, cùng hát với thành viên CLB.

Sản xuất càng giỏi

Sau ngày cưới, vợ chồng anh Nguyễn Anh Kiệt lấy nghề mua bán ve chai mưu sinh. Nhờ cần cù và tiết kiệm, mấy năm sau vợ chồng anh tậu được 1,2ha đất trồng cao su, hiện đang khai thác năm thứ hai, mỗi tháng vợ chồng anh thu gần 15 triệu đồng tiền bán mủ. Nếu chỉ bám vào 1,2ha cao su khó làm giàu, anh gom tiền mua 2 máy cày mở dịch vụ “làm mướn”, đồng thời sắm bàn ghế, loa, amply... cho vợ mở quán giải khát phục vụ cô bác trong ấp.

Kiệt tâm sự: “Chỉ tính 2 máy cày, mỗi năm tôi cày mướn từ 350- 400ha, trừ mọi chi phí lãi 250.000 đồng/ha”. Hỏi anh Kiệt vì sao lại sử dụng mặt bằng bán giải khát làm điểm sinh hoạt CLB ĐCTT của chi hội, anh nói tỉnh khô: “Hai vợ chồng em và vợ chồng cô em gái Nguyễn Thị Anh Vũ đều là thành viên CLB. Trong khi CLB còn thiếu thốn thì mình cần phải chung tay góp sức”.

img Chúng tôi đang phấn đấu mỗi chi hội có một CLB đờn ca tài tử như chi hội Phước Hiệp. img

Anh Kiệt cũng tiết lộ, điểm sinh hoạt của CLB tại quán giải khát gia đình còn là điểm ghi danh dự các lớp học nghề, tập huấn KHKT, tư vấn pháp lý... của hội viên ND trong chi hội.

Tuy cũng chỉ có 1,2ha đất sản xuất, nhờ luân canh đậu phộng (lạc), bắp (ngô), xây ao nuôi ba ba... nên năm 2011 Chi hội trưởng kiêm thư ký CLB ĐCTT Nguyễn Văn Ngà thu 206 triệu đồng. Với 5ha mía, 3ha mì (sắn), năm 2011, ông Trần Văn Hạnh - Trưởng ban Mặt trận ấp, thành viên CLB thu lãi 350 triệu đồng...

Chi hội trưởng Nguyễn Văn Ngà thông tin: “Chi hội có 317 hội viên sinh hoạt tại 6 tổ hội, năm 2011 có 132 trong tổng số 317 hộ hội viện đạt danh hiệu ND SXKD giỏi. Chi hội nhiều năm liên tục đạt chi hội vững mạnh toàn diện của huyện”. Điều này giải thích vì sao ấp Phước Hiệp có 310 hộ ND nhưng có tới 317 ND xin vào Hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem