Lãnh đạo Israel xuất hiện sau khi quân đội kiểm soát khu vực Đông Jerusalem.
Theo Aljazeera, cuộc chiến 6 ngày diễn ra vào năm 1967 là chiến dịch quân sự quy mô lớn của Israel chống lại liên minh Ả Rập bao gồm Ai Cập, Jordan và Syria.
Câu chuyện khởi nguồn từ năm 1948 khi Israel tuyên bố độc lập, thành lập nhà nước Do Thái riêng và trục xuất hàng trăm ngàn người Palestine. Trước đây, khu vực của cộng đồng người Do Thái và Palestine do Anh kiểm soát.
Cuộc chiến tranh năm 1948 kết thúc bằng việc Israel kiểm soát 78% vùng đất vốn thuộc quyền kiểm soát của Palestine. 22% còn lại do Ai Cập và Jordan bảo hộ.
Năm 1967, Israel tiếp tục tham mọng mở rộng nhà nước Do Thái, kiểm soát các khu vực chiến lược của người Palestine cũng như khu vực tranh chấp biên giới với Ai Cập và Syria.
Binh sĩ quân đội Israel.
Ngày 13.5.1967, Liên Xô gửi thông điệp cảnh báo Ai Cập rằng Israel đang chuẩn bị quân đội xâm lược Syria. Theo thỏa thuận năm 1955, Ai Cập và Syria có trách nhiệm bảo vệ lẫn nhau nếu một nước bị tấn công.
Ai Cập yêu cầu quân đội Liên Hợp Quốc rời bán đảo Sinai và đặt binh sĩ trong tình trạng báo động. Vài ngày sau đó, Cairo cũng chặn tàu hàng Israel trên Biển Đỏ.
Đến cuối tháng 5, Ai Cập và Jordan ký hiệp ước phòng vệ chung, đặt quân đội Jordan dưới sự chỉ huy của Ai Cập. Iraq cũng ký hiệp ước này một thời gian ngắn sau đó.
Sáng ngày 5.6.1967, Israel mở cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào căn cứ không quân Ai Cập, phá hủy hầu hết chiến đấu cơ Ai Cập khi chúng vẫn còn trên mặt đất.
Cho đến nay, giới học giả thế giới vẫn tranh cãi về nguyên nhân Israel phát động chiến tranh. Một số người tin rằng Israel muốn hoàn thành nốt những gì còn dang dở trong cuộc chiến năm 1948.
Bộ trưởng Israel Yigal Allon từng nói: “Chúng ta phải ghi nhớ bài học về cuộc chiến giành độc lâp năm 1948 và không ngừng chiến đấu cho đến khi đạt được chiến thắng toàn diện, thống nhất lãnh thổ Israel”.
Cuộc chiến 6 ngày đánh dấu việc Israel chiếm quyền kiểm soát bán đảo Sinai, khu Bờ Tây và Cao nguyên Golan.
Ngay sau khi phá hủy ít nhất 90% số lượng máy bay Ai Cập, quân đội Israel mở cuộc chiến trên bộ ở dải Gaza và bán đảo Sinai. Không quân Israel cũng dội bom sân bay Syria vào tối ngày 5.6. Một ngày sau đó, Israel gây chiến với Jordan ở khu vực Đông Jerusalem.
Bất chấp việc Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn, Israel tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ để kéo dài thời gian đàm phán, nhằm “hoàn thành mục tiêu đề ra”.
Cho đến chiều ngày 7.6, Israel đã đánh bật quân Jordan khỏi khu vực Đông Jerusalem.
Các thành phố lớn ở Bờ Tây như Nablus, Bethlehem, Hebron và Jericho đều rơi vào tay Israel trong những ngày sau đó.
Khu định cư của người Palestine bị phá hủy hoàn toàn để Israel xây dựng tuyến đường cho người Do Thái đến Jerusalem.
Tại Cao Nguyên Golan của Syria, Israel mở mặt trận tấn công mới vào ngày 9.6.1967. Chỉ 24 giờ sau đó, khu vực này đã nằm trong quyền kiểm soát của quân đội Israel. Đây là động thái gây chấn động đến thủ đô Damascus, Syria.
Sau khi đạt mục tiêu kiểm soát toàn bộ Jerusalem và các khu vực lân cận, Israel chủ động đề nghị ký thỏa thuận ngừng bắn. Các thỏa thuận hòa bình lần lượt được ký vào ngày 9 và 11.6.1967.
Chiến đấu cơ Ai Cập bị phá hủy khi chưa kịp cất cánh.
Cuộc chiến 6 ngày đã khiến khoảng 430.000 người Palestine bị mất nhà cửa. Đa số chạy sang Jordan xin tị nạn mà không kịp mang theo bất cứ hành trang nào.
Cuộc chiến được coi là bước ngoặt mang tính lịch sử trong khu vực, làm chia rẽ liên minh Ả Rập. Chỉ trong 6 ngày, Israel kiểm soát khu vực có 1 triệu dân Palestine sinh sống, tạo thành quốc gia có cộng đồng người Palestine đông đảo nhất thế giới.
Người Do Thái coi cuộc chiến là phép màu giúp họ kiểm soát toàn bộ Vùng đất Thánh. Trong khi đó, làn sóng nổi dậy, mong muốn giành lại đất đai của người Palestine vẫn còn diễn ra nhỏ lẻ đến tận ngày nay.
Kết thúc chiến tranh, Israel ghi nhận 5.000 người thương vong, 400 xe tăng và 46 máy bay bị phá hủy. Thiệt hại bên phía liên minh Ả Rập lên tới 20.000 quân Ai Cập, 6.000 quân Jordan và 2.500 quân Syria cùng hơn 452 máy bay và hàng trăm xe tăng bị phá hủy.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đại diện cho Mỹ, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Điều này tạo ra làn sóng phản đối dữ đội trong thế giới Ả Rập và làm sâu sắc thêm mâu thuẫn sắc tộc hình thành từ cuộc chiến tranh đẫm máu năm 1967.
Tuyên bố của ông Trump bị cho là khiến khu vực rơi vào tình trạng bất ổn và có thể biến thành bạo lực nghiêm trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.