Cuộc chiến chuỗi cà phê hậu Covid-19: The Coffee House, Trung Nguyên, Starbucks... trả mặt bằng
Cuộc chiến chuỗi cà phê hậu Covid-19: The Coffee House, Trung Nguyên, Starbucks, Highlands... đều trả mặt bằng
Hồng Phúc
Thứ hai, ngày 15/11/2021 14:11 PM (GMT+7)
Không chỉ các cửa hàng cà phê bình dân, nhiều "ông lớn" là các nhân vật chính trong cuộc chiến chuỗi cà phê như The Coffee House, Trung Nguyên, Starbucks, Highland Coffee… cũng trả mặt bằng hàng loạt.
Các đợt Covid-19, đặc biệt là đợt giãn cách kéo dài lịch sử vừa qua đã khiến nhiều cửa hàng của The Coffee House, Trung Nguyên, Starbucks, Highlands Coffee đóng hàng loạt.
Đây đều là những "ông lớn" dẫn đầu về doanh thu trong cuộc chiến chuỗi cà phê theo thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường vài năm qua.
The Coffee House, Trung Nguyên trả mặt bằng hàng loạt
Tuần đầu tiên của tháng 10, khi TP.HCM mở cửa nền kinh tế, khôi phục lại các hoạt động, nhiều chuỗi nhà hàng, cà phê nóng lòng chờ được phục vụ tại chỗ thì The Coffee House bất ngờ thông báo đóng cửa hàng signature trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3).
Đây là cửa hàng duy nhất của The Coffee House được thiết kế khác biệt hoàn toàn so với các cửa hàng khác thuộc hệ thống, chuyên phục vụ cà phê đặc sản. Mặc dù giá cao vượt trội so với những "người anh em" The Coffee House khác, thậm chí ngang ngửa phân khúc cà phê cao cấp nhưng cửa hàng signature này luôn đắt khách, thậm chí không còn bàn để phục vụ dịp cuối tuần.
Nguyên nhân The Coffee House signature có sức hút vì vị trí quá đắc địa, nơi này từng là chỗ dừng chân của một "ông lớn" khác. Thiết kế lại khác biệt, chú trọng không gian dành cho giới trẻ và dân văn phòng. Do đó, việc The Coffee House signature đóng cửa khiến nhiều người tiếc nuối.
Tuy nhiên, ghi nhận của Dân Việt cho thấy, không chỉ cửa hàng đặc biệt này mà một loạt chi nhánh khác của The Coffee House nằm rải rác tại quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh… cũng không nằm ngoài làn sóng trả mặt bằng.
Bên ngoài các cửa hàng The Coffee House trên các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Cao Thắng, Phan Đăng Lưu, Hoàng Hoa Thám, Xô Viết Nghệ Tĩnh... đã chi chít thông tin, số điện thoại cho thuê mặt bằng của dân môi giới.
Đến thời điểm này, có lẽ đây là thương hiệu trả mặt bằng nhiều nhất sau đợt dịch thứ tư. Nhiều quán cà phê là điểm đến quen thuộc của giới trẻ đã không còn. Trên website đặt hàng của The Coffee House, hiện còn khoảng 140 quán trên cả nước, trong khi đó, thống kê đến cuối năm 2020, The Coffee House có khoảng 180 quán, chủ yếu tại TP.HCM và đang tiến tới cột mốc 200.
Không chỉ The Coffee House, một "ông lớn" khác là Trung Nguyên cũng trả nhiều mặt bằng đắc địa ở khu vực trung tâm TP.HCM.
Nhiều khách hàng quen thuộc của thương hiệu cà phê này đã bất ngờ khi cửa hàng Trung Nguyên nằm tại góc đường Pasteur và đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) là điểm đến nhâm nhi cà phê cuối tuần, ngắm hàng lá me xanh mướt bên đường, nhưng đã ngưng hoạt động.
Cách đó không xa, cửa hàng Trung Nguyên nằm tại ngã tư đường Điện Biên Phủ và đường Lê Văn Duyệt (quận 1) với góc nhìn ra vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã dán bảng cho thuê.
Chuỗi King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đã đóng một số mặt bằng nằm trên đường Trần Quang Khải, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Bùi Viện. Đây đều là những mặt bằng đẹp, tập trung tại khu vực sầm uất nhất tại TP.HCM.
Starbucks, Highlands Coffee cũng rời "đất vàng"
Sớm hơn cả The Coffee House signature, Starbucks Việt Nam là người "mở màn" cho làn sóng các đại gia trong thị trường chuỗi cà phê trả mặt bằng sau đợt dịch lần thứ tư.
Đầu tháng 10, Starbucks thông báo sẽ đóng cửa hàng tại khách sạn Rex có vị trí rất đắc địa, ngay ngã tư đường Lê Thánh Tôn và đường Pasteur, cách phố đi bộ Nguyễn Huệ vài bước chân. Không chỉ sở hữu vị trí "vàng", đây còn là một trong những cửa hàng đắt khách nhất của Starbucks tại TP.HCM, khách Tây, khách ta đều nhộn nhịp bất kể ngày nào trong tuần.
Starbucks Rex có mặt từ năm 2013, là quán cà phê thứ ba của "ông lớn" cà phê ngoại này tại thị trường Việt Nam. Chia sẻ với truyền thông, đại diện Starbuck cho rằng chi nhánh hoạt động không hiệu quả như kỳ vọng, trong đó có nguyên nhân do Covid-19.
Ngay cả quán quân thường xuyên có doanh thu dẫn đầu trong cuộc chiến chuỗi cà phê là Highlands Coffee cũng đã đóng một vài cửa hàng ở khu vực trung tâm TP.HCM sau các đợt dịch. Đó là cửa hàng nằm tại góc đường Pasteur và đường Nguyễn Du (quận 1), cửa hàng nằm cạnh Nhà hát Thành phố (quận 1).
Tăng tốc và tiếp tục mở rộng là chiến lược xuyên suốt của các thương hiệu trong cuộc chiến, nhưng sau bốn đợt dịch, nhiều vị trí vàng vốn thuộc hàng đẹp nhất nhì của các "ông lớn" đã "bay màu".
Trao đổi với Dân Việt, đại diện The Coffee House cho biết, các cửa hàng đã đóng cửa thời gian qua, nhất là sau đợt dịch lần thứ tư đều nằm trong chiến lược của doanh nghiệp. Theo đó, đây là những cửa hàng kinh doanh không hiệu quả, The Coffee House sẽ đóng bớt những điểm kinh doanh này nhằm tối ưu chi phí vận hành.
Không chỉ The Coffee House mà nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết sẽ tiếp tục đàm phán giá thuê mặt bằng với các chủ nhà để được hỗ trợ về giá, bởi ngành F&B (dịch vụ nhà hàng, đồ uống) đã đóng cửa liên tục nhiều tháng qua, hoạt động hiện nay cũng chỉ được 50% công suất.
Theo Savills Việt Nam, mặt bằng là một trong những chi phí rất đáng kể trong tổng chi phí của một doanh nghiệp F&B, trong khi ngành này bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.
Sau giai đoạn khó khăn, nhiều thương hiệu xác định chiến lược phát triển thận trọng hơn, trong đó có việc lựa chọn địa điểm kỹ càng, thậm chí phải mạnh tay đóng những điểm kinh doanh không hiệu quả trước áp lực giá thuê ngất ngưởng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.