"Cuộc chiến" đòi ôtô giữa bố chồng và con dâu cũ

Thứ tư, ngày 04/11/2015 07:44 AM (GMT+7)
Không đồng ý "cưa đôi" chiếc ôtô do con trai đứng tên cho con dâu trong phiên xử ly hôn, ông Cương ra sức chứng minh mình góp tiền nhiều nhất, vì thế tài sản này phải thuộc về ông.
Bình luận 0

Chị Đỗ (29 tuổi, kế toán trường học) và anh Quyết (34 tuổi, cán bộ Đài truyền thanh) sau 4 năm chung sống nảy sinh nhiều bất đồng do không có con. Giữa năm 2012, người đàn bà 4 lần sảy thai đồng ý ký đơn ly hôn để "giải phóng" cho chồng.

Trong phiên xử sơ thẩm mở tháng 5.2013, TAND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đồng ý cho vợ chồng chị Đỗ ly hôn. Chiếc ôtô 4 chỗ trị giá hơn 400 triệu đồng do người chồng đứng tên, toà tuyên thuộc về anh.

Không đồng ý việc chiếc xe không được "cưa đôi", chị Đỗ chống án. TAND tỉnh Hà Tĩnh khi xem xét nhận thấy việc toà sơ thẩm chỉ dựa vào kết quả thu thập chứng cứ của các bên về nguồn gốc tiền mua để xác định quyền sở hữu mà không xem xét đến các tài liệu khác như thời điểm hình thành tài sản, giấy đăng ký kết hôn là chưa hợp lý. Chị Đỗ cũng không được không xét đến công sức đóng góp trong quá trình hình thành khối tài sản chung, trong đó có chiếc xe...

Vì lẽ đó, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên hủy phần quan hệ tài sản bản án ly hôn này, giao hồ sơ cho TAND huyện Hương Sơn xét xử sơ thẩm lại phần tài sản.

Trong phiên xử sơ thẩm lần hai mở sáng 30.10, hai người ngồi chung một chiếc ghế, không ai nhìn ai. Chị Đỗ đan tay vào nhau rồi im lặng, đầu chếch nghiêng về phía bên phải. Anh Quyết đầu chếch ngược lại, khoanh hai tay vào bụng. Từ ngày chia tay, cả hai đều "đi thêm một bước nữa". May mắn mỉm cười khi chị Đỗ sinh được con trai hơn một tuổi và chuẩn bị đón đứa thứ hai. Anh Quyết cũng có một con gái.

Trình bày về tiền mua xe, chị Đỗ cho hay bố mẹ chị cho 100 triệu đồng, vợ chồng gom góp được 100 triệu, 200 triệu đồng còn lại của bố mẹ chồng cho con trai.

Ông Cương (bố anh Quyết) trình bày chiếc xe mua cho mình nhưng không biết lái nên để con trai đứng tên. Bây giờ vợ chồng con trai chia tay, tài sản phải thuộc về ông.

Minh chứng cho việc bố nói, anh Quyết bảo từ ngày mua ông Cương là người trực tiếp quản lý xe. Vợ chồng anh khi sử dụng đều được ông ghi ngày giờ vào sổ theo dõi. Việc đổ xăng, rửa xe cũng đều về báo cáo để bố thanh toán. Trong lúc anh trình bày, chị Đỗ không ngẩng lên song đáp lại bằng nụ cười nhạt.

Chỉnh chiếc kính đang đeo, tay cầm nhiều tờ giấy, ông Cương dẫn chứng trong luật dân sự có quyền sử dụng, chiếm hữu và định đoạt. Ông góp tiền nhiều nhất, do đó được phép lập biên bản ủy quyền cho con trai sử dụng. Đáp lại ông, luật sư của chị Đỗ nói ông không phải là người đăng ký, vì thế không được thừa nhận là chủ sở hữu.

Ngược với anh Quyết nói rằng bố mẹ chồng đối xử tốt với con dâu, đại diện nhà chị Đỗ cho rằng con mình bị đối xử tệ, cuộc sống ngột ngạt. Đến chiếc điện thoại khoảng 5 triệu đồng tặng con dâu mà ông Cương cũng đòi lại khi vợ chồng họ chia tay cũng đủ cho thấy gia đình Quyết "có lòng" với thế nào với chị Đỗ.

Tuyên án vào chiều 3.11, toà cho rằng 200 triệu đồng góp mua xe của ông Cương là có căn cứ, do đó tài sản này thuộc về ông. Là người góp công sức mua xe, anh Quyết được chia 50 triệu, gia đình ông Cương phải đưa lại cho chị Đỗ 30 triệu đồng.

Kết thúc phiên xử, ông Cương và người nhà ra về với sự hài lòng, trái lại chị Đỗ không đồng tình với phán quyết này. "Bố mẹ tôi cũng góp 100 triệu đồng khi mua xe, ít nhất số tiền này cũng phải trả lại cho gia đình tôi", chị nói và cho hay sẽ kháng án đòi lại công bằng.

* Tên các nhân vật đã được thay đổi.

Đức Hùng (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem