|
Chủ tịch Kim Jong il. |
Cuộc đời của Chủ tịch Kim Jong il
Theo tiểu sử chính thức do CHDCND Triều Tiên công bố, ông Kim Jong il là con trai của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Ông Jong il được sinh tại một trại quân sự bí mật ở núi Baekdu, phía bắc Triều Tiên vào ngày 16.2.1942 và trên bầu trời đã xuất hiện "một cầu vồng đôi và ngôi sao mới rực sáng" vào thời khắc ông sinh ra.
Ông Kim Jong il trở thành lãnh đạo Đảng Lao động Triều Tiên từ năm 1994 sau khi cha ông - lãnh tụ Kim Nhật Thành qua đời. Ông Kim Jong il thường được nhắc đến ở Triều Tiên với danh xưng "nhà lãnh đạo kính mến".
Các tài liệu chính thức của Triều Tiên còn cho biết, ông Kim Jong il là một nhà soạn nhạc và kiến trúc sư lớn của nước này. Theo đó ông từng viết 6 vở opera trong vòng 2 năm và đích thân thiết kế một trong những công trình kiến trúc nổi bật nhất của đất nước Triều Tiên hiện đại.
Năm 1991, ông Kim Jong il được bầu làm Tư lệnh Tối cao của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, một bước chuẩn bị quan trọng để ông tiến đến ghế lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên năm 1994 sau khi cha là Kim Nhật Thành qua đời. Ông tiếp quản quyền lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đúng vào giai đoạn đặc biệt khó khăn về kinh tế đất nước, khi đối tác thương mại chính là Liên Xô đã tan vỡ.
Chính ông Kim đã nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực bằng cách kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp, đặc biệt là từ nước láng giềng Trung Quốc. Cố gắng này được phản ánh qua nhiều chuyến thăm Trung Quốc cho đến tận những năm cuối đời của ông.
Một dấu ấn khác dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong il là việc CHDCND Triều Tiên đã có những bước đi mang tính lịch sử để cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Tháng 6.2000, ông có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae jung.
Cuộc tiếp xúc cấp cao liên Triều đầu tiên kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 là một trong những sự kiện quốc tế nổi bật nhất năm đầu của thiên niên kỷ mới. Kết quả của sự kiện này là việc gia tăng kênh liên lạc giữa hai miền như cho phép đoàn tụ những gia đình ly tán do chiến tranh sau nhiều thập kỷ.
|
Người dân Triều Tiên bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với Chủ tịch Kim Jong il. |
Sự nghiệp lãnh đạo của ông Kim cũng gắn liền với các hoạt động thử tên lửa và hạt nhân gây chấn động của Triều Tiên. Tháng 4.2009, Hiến pháp của Triều Tiên được sửa đổi trong đó chính thức coi ông Kim Jong il là "Lãnh tụ tối cao" bên cạnh cách tôn vinh ông trước đó là "Lãnh tụ kính mến".
Những chức danh ông nắm giữ bao gồm Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng Triều Tiên, Tư lệnh Tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên - quân đội có quy mô lớn thứ 4 trên thế giới hiện nay. Năm 2010, Tạp chí Forbes xếp ông Kim Jong il đứng thứ 31 trong danh sách những người quyền lực nhất hành tinh.
Phản ứng của thế giới
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 19.12 đưa tin, quân đội Hàn Quốc đã được đặt trong tình trạng báo động sau thông tin về cái chết của ông Kim Jong il. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung bak đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia. Theo Yonhap, phía Hàn Quốc có thể nâng mức độ cảnh báo chiến đấu từ mức hiện tại lên cấp độ 3 hoặc 4. Tổng thống Lee Myung bak đã hủy toàn bộ lịch trình dự định sau khi biết thông tin Chủ tịch Triều Tiên qua đời.
Được tin Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-il vừa từ trần, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã gửi Điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.
Ngày 19.12, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il từ trần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: "Chúng tôi tin tưởng nhân dân Triều Tiên sẽ vượt qua mất mát to lớn này, tiếp tục nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước”.
Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung bak cho biết, ông Lee đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai tiếng sau thông tin về sự ra đi của ông Kim Jong il. Trong một tuyên bố rất cẩn trọng về từ ngữ, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói: "Tổng thống (Barack Obama) đã biết tin và chúng tôi đang cùng các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản theo dõi chặt chẽ" thông tin này".
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã thành lập đội giám sát khủng hoảng về vấn đề CHDCND Triều Tiên. Chính phủ Nhật Bản cũng đã gửi lời chia buồn tới người dân CHDCND Triều Tiên.
Trung Quốc ngày 19.12 đã bày tỏ "niềm tiếc thương sâu sắc" trước sự ra đi của ông Kim Jong il. Phát biểu tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nói:
"Chúng tôi choáng váng khi hay tin đồng chí Kim Jong il - nhà lãnh đạo nước CHDCND Triều Tiên qua đời. Chúng tôi muốn bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của ông và gửi lời chia buồn chân thành tới người dân CHDCND Triều Tiên". Trung tâm Thông tin Nhân quyền và Dân chủ, có trụ sở ở Hongkong, cùng ngày dẫn các nguồn tin cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ tới Bình Nhưỡng tham dự tang lễ nhà lãnh đạo Kim Jong il.
Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd cũng kêu gọi các nước cần bình tĩnh và kiềm chế trước thông tin nhà lãnh đạo Triều Tiên từ trần. Ông cũng nói: "Chúng ta cần chờ xem quá trình định hình ban lãnh đạo mới ở CHDCND Triều Tiên". Theo Ngoại trưởng Rudd, đây là thời khắc quan trọng trong lịch sử và là cơ hội để lãnh đạo CHDCND Triều Tiên can dự với quốc tế.
Quang Minh
Kim Jong un là “người kế tục vĩ đại”
Thông tin ông Kim Jong il từ trần ngay lập tức làm dấy lên những quan ngại về việc ai sẽ nắm quyền lãnh đạo quốc gia này và cả chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Từ Seoul, ông Yang Moo Jin - Giáo sư của Trường Đại học Nghiên cứu CH DCND Triều Tiên nhận định: "Khả năng quân đội CHDCND Triều Tiên tiến hành đảo chính là rất thấp vì CHDCND Triều Tiên vẫn tự nhận họ là một quốc gia cùng chung vận mệnh với Kim Jong un (ảnh- giữa).
Tôi cho rằng ban lãnh đạo đảng, chính phủ và quân đội của nước này sẽ cùng nhau hành động trong một thời gian vì Kim Jong un vẫn còn trẻ. Hiện giờ, nhiệm vụ cấp bách của Hàn Quốc là phải để mắt đến nhân vật (ở CHDCND Triều Tiên) mà nước này sẽ quan hệ. Hàn Quốc không muốn CHDCND Triều Tiên bất ổn, vì vậy Seoul nên tăng cường các nỗ lực hợp tác".
Giáo sư Chung Young Tae của Viện Thống nhất Dân tộc Triều Tiên nhận định: "Ông Kim Jong il qua đời, triển vọng về một đất nước hùng mạnh và thịnh vượng đã tan biến. Kim Jong un vẫn chưa phải là người kế nhiệm chính thức, nhưng chính quyền này sẽ hành động theo hướng Kim Jong un đóng vai trò trung tâm".
Mặc dù giới phân tích còn hoài nghi về khả năng lãnh đạo của Kim Jong un thiếu kinh nghiệm vì còn quá trẻ, nhưng sau khi thông báo về cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong il, truyền thông Nhà nước CHDCND Triều Tiên đã gọi ông Kim Jong un là "người kế tục vĩ đại” và kêu gọi toàn dân, toàn quân đoàn kết xung quanh nhà lãnh đạo Kim Jong un để xây dựng đất nước.
Hạ Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.