Cuộc gặp thú vị của hai người Anh hùng

Thứ ba, ngày 13/03/2012 10:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phạm Tuân - người đầu tiên của VN bay lên vũ trụ năm 1980. 22 năm sau, phi hành gia Frank de Winne (Bỉ) đã bay lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Hai người Anh hùng này đã có cuộc gặp thú vị tại Hà Nội ngày 12.3.
Bình luận 0

Sống không ngừng ước mơ

“Bay lên vũ trụ là giấc mơ từ bé của tôi. Hãy cứ mơ ước để nỗ lực đạt được giấc mơ của mình, và với một đất nước đông dân như VN, các bạn hãy cứ ước mơ và nỗ lực. Trong tương lai, các bạn sẽ có nhiều người như Anh hùng Phạm Tuân” - phi hành gia Frank de Winne đã bắt đầu câu chuyện về cuộc đời phi hành gia của mình bằng cách chắp thêm những ước mơ bay cao, bay xa cho giới trẻ VN.

img
Anh hùng Phạm Tuân (phải) chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng phi hành gia Frank de Winne.

Đến Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Bỉ do Thái tử Philippe dẫn đầu, phi hành gia De Winne đã có buổi trò chuyện thú vị với người đồng nghiệp là cựu phi hành gia Phạm Tuân, trước hàng trăm sinh viên Trường ĐH Công nghệ. Frank de Winne đã có hai chuyến đi vào vũ trụ. Chuyến đầu tiên chỉ có 10 ngày và công việc chính của ông là làm các thí nghiệm khoa học. Chuyến đi thứ hai kéo dài 187 ngày, đã để lại trong ông những cảm xúc khó quên.

Trong chuyến bay thứ hai, De Winne cùng những đồng nghiệp có những hoạt động thú vị trong vũ trụ như buổi sáng họ phải thức dậy lúc 6 giờ (giờ GMT) để tập thể dục và các bữa ăn trong ngày cũng được tuân thủ đúng giờ. Đặc biệt trong vũ trụ, việc luyện tập thể dục bằng những dụng cụ đặc biệt để tránh bị teo cơ.

Trên ISS, De Winne thường xuyên làm việc cùng các phi hành gia tới từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Đức, Canada. Sau mỗi ngày làm việc, các phi hành gia cùng nhau thưởng thức các món ăn từ các nước và giao lưu văn hóa, thưởng thức âm nhạc đặc trưng của mỗi nước… và De Winne hy vọng, một ngày nào đó trong tương lai gần, họ có thể được thưởng thức các món ăn Việt và âm nhạc Việt trong vũ trụ. Riêng ngày cuối tuần, họ dành riêng buổi sáng thứ 7 để dọn dẹp ISS và gửi email về Trái đất cho gia đình, bạn bè…

De Winne nói rằng, trên vũ trụ bây giờ khác với thời của ông và Phạm Tuân vì có nhiều kỹ thuật hỗ trợ và giải trí hơn. Vì thế, theo De Winne “thời Phạm Tuân bay anh hùng hơn bây giờ nhiều”.

Từ giấc mơ làm phi công chiến đấu

Cả Phạm Tuân và De Winne đều chia sẻ, con đường trở thành nhà du hành vũ trụ của họ cũng được bắt đầu từ giấc mơ muốn làm phi công, đặc biệt là phi công chiến đấu. Tuy vậy, cả hai nhà du hành vũ trụ đều phủ nhận rằng, họ không phải là những người... mê tốc độ. Ông De Winne cho biết, tốc độ của con tàu lúc vào vũ trụ là 28.000km/h, đó là tốc độ nhanh không ngờ và không phải ai cũng “chịu được nhiệt”.

Frank de Winne sinh năm 1961 tại Bỉ. Ông từng lấy bằng thạc sĩ về kỹ thuật tại Học viện Quân sự Hoàng gia và phục vụ trong không quân Bỉ trước khi trở thành phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vào năm 1998.

Tuy nhiên, cả hai nhà du hành vũ trụ đều khẳng định, được bay vào không gian và sống trong trạng thái bay lơ lửng là điều tuyệt vời trong cuộc đời. Với Phạm Tuân, cảm xúc được ngắm nhìn đất nước VN qua cửa sổ của tàu vũ trụ là khoảnh khắc đáng nhớ và thiêng liêng nhất. De Winne cho rằng, từ trên vũ trụ, có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của Trái đất, lúc đó mới cảm nhận, Trái đất thật mong manh. Cả hai nhà du hành vũ trụ cho biết, lúc ở trên trời, họ cùng chung một nỗi nhớ, đó là nhớ về Trái đất, nhớ hàng tỷ người dân đang cần mẫn mỗi ngày trên hành tinh của chúng ta…

Họ cũng khẳng định, thám hiểm không gian là công việc nguy hiểm. Vì thế các phi hành gia phải luyện tập và luôn phải sẵn sàng đối phó những tình huống xấu nhất. Phạm Tuân từng mất 1,5 năm để luyện tập trước chuyến bay, còn De Winne đã phải mất 4 năm luyện tập và phải xử lý các sự cố bất ngờ chiếm tới 70% hoạt động của phi hành gia trong quá trình tập luyện trước mỗi chuyến bay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem