|
Allister chụp ảnh cùng trẻ em Hà Giang trong một chuyến đi phượt. Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Allister Esguerra, 25 tuổi, người Philippines: Hà Nội giống cái làng
Rời thành phố Hồ Chí Minh vì sợ nạn cướp giật, bỏ Hội An xinh đẹp không có nhiều việc để làm, Allister ở lại Hà Nội làm du lịch. Trong mắt anh chàng mê phượt, ở Hội An, 9 giờ tối vắng vẻ như 12 giờ đêm ở Hà Nội, còn ở thành phố Hồ Chí Minh, 12 giờ đêm vẫn nhộn nhịp như 7 giờ tối ở Hà Nội.
"Hà Nội giống một phiên bản lớn hơn của Hội An, với 8 triệu dân. Đó là lý do tôi thích nơi này.
"Ở Hà Nội, muốn sống tốt bạn nên có nhiều quan hệ. Nếu không quen biết ai, cuộc sống sẽ rất khó khăn, sẽ khó kiếm việc. Nhưng muốn kết bạn không dễ. Với người Sài Gòn, tôi chỉ cần một ngày. Còn nếu muốn làm bạn với người Hà Nội, sẽ mất rất nhiều thời gian để giành được sự tin tưởng của họ.
"Với tôi, Hà Nội giống như một cái làng. Mọi người biết nhau hết. Vì vậy những chuyện ngồi lê đôi mách lan truyền rất nhanh. Nhưng tôi khâm phục người Hà Nội dũng cảm, họ không sợ thử những điều nằm ngoài vùng an toàn. Họ thích liều lĩnh. Bạn có thể thấy nhiều người Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp hơn là ngược lại".
"Tôi nhớ nhất câu nói từ ông của một người bạn: 'Sống được ở Hà Nội thì có thể sống ở bất cứ đâu trên thế giới'".
Julie Vola, 31 tuổi, Pháp: Người Hà Nội rất tình cảm
|
Julie Vola. Ảnh: VA
|
"Với việc thực hiện dự án sách ảnh “Hồi tưởng Hà Nội” (Recalling Hanoi), tôi gặp khoảng 100 người và phát hiện mỗi người ở đây đều rất thú vị, họ sẵn sàng kể cho tôi nghe về những kỷ niệm cá nhân khi sống ở thành phố này.
"Ở mọi lứa tuổi, người Hà Nội đều nhã nhặn, khiêm nhường, sẵn lòng chia sẻ chuyện cá nhân và rất tình cảm. Khi tôi hỏi chuyện một phụ nữ lớn tuổi, bà mời tôi đến nhà, mang đồ ăn ra mời và liên tục giục tôi hãy ăn tự nhiên, rất là trìu mến!
"Ông tôi được sinh ra tại đây, sau đó gia đình trở về Pháp. Tôi thấy tiếc vì đã không nói chuyện nhiều với ông về cuộc sống của gia đình lúc đó, giờ ông đã mất nên tôi muốn đến xem con người và cuộc sống nơi đây như thế nào. Người Hà Nội thực sự rất phóng khoáng, dễ thương, họ vẫn duy trì nếp sống truyền thống, quây quần bên gia đình và đặc biệt tự hào về lịch sử của mình.
"Lúc mới đến đây, tôi không thể hiểu nổi vì sao mọi người trên đường phố lại bấm còi nhiều đến thế, quá ầm ĩ. Dường như họ rất hùng hổ với tôi. Thế nhưng khi tôi tự đi xe máy thì tôi hiểu ra. À, bấm còi để báo cho người khác tránh đường, để họ được an toàn.
"Đôi khi ở những nơi công cộng có một số người không để tâm đến người khác, chen lấn xô đẩy. Chẳng hạn như tôi đang chờ tính tiền ở siêu thị, có một phụ nữ cứ cố chen lên. Tôi giữ cửa cho mọi người ở nơi công cộng, họ cứ lao đi mà chẳng để ý là tôi đứng đó khá lâu.
"Đi chợ Ngọc Hà rất thích. các bà các chị dạy tôi tên đồ ăn bằng tiếng Việt. Khi biết ai đó chào giá hơi cao, tôi mặc cả quyết liệt, sau đó bỏ đi thì họ gọi 'Này em ơi, quay lại đây'. Rất đáng yêu!"
Martin Rama, 57 tuổi, Uruguay: Người Hà Nội ăn, yêu ngoài đường
|
Ông Martin Rama và cuốn sách Hà Nội, một chốn rong chơi. Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Martin từng sống ở Hà Nội 8 năm, từng là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) ở Việt Nam.
"Tôi thấy mọi người vẫn thích sống ngoài trời, trên đường phố, ở công viên, từ ăn uống đến yêu đương, điều đó không thay đổi. Nhưng tôi thấy lối sống xã hội, như của các cặp đôi trở nên hiện đại hơn, không hẳn là hạnh phúc hơn, mà là khác đi. Ví dụ, khi tôi mới đến Hà Nội cách đây 16 năm, không ai ly dị cả, nhưng giờ thì điều đó khá phổ biến. Các bạn có phong cách sống Tây hóa hơn xét về mặt này"
"Chỉ cần nhìn cái cách nàng ngồi phía sau người ta cũng có thể đoán biết được mối quan hệ của họ đã tiến triển đến đâu", ông viết về cảnh những đôi trai gái ngồi trên xe máy ở Hà Nội.
"Nếu nàng vẫn ngồi một cách cẩn trọng, cố tránh những sự đụng chạm với người ngồi trước, thì chàng sẽ còn phải nỗ lực chinh phục rất nhiều. Nếu nàng ngả người về phía sau, nhắn tin cho ai đó khác mà không cho chàng hay, thì chắc chắn là chàng đang gặp rắc rối to rồi. Nhưng nếu thỉnh thoảng nàng lại dựa người về phía trước, tì cằm trên vai chàng xế, thì thầm với chàng điều gì đó, thì lúc đó người ta chỉ còn cách cầu nguyện cho tai nạn giao thông trên đường phố Hà Nội đừng xảy ra!
"Cách người Hà Nội quan tâm đến nhau cũng khá giống người Mỹ Latinh chúng tôi: nồng ấm, tình yêu, sự trân trọng tình bạn, những mối quan hệ".
Bà Nandini Oomman, người Ấn Độ: Hà Nội tràn đầy năng lượng
|
Bà Nandini Oomman. Ảnh: VA
|
"Sống ở Hà Nội hơn ba năm nay, tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều người tập thể dục ở nhiều nơi lúc tinh mơ. Trong công viên, trên vỉa hè rất nhiều người đi tập, ở đủ mọi lứa tuổi. Điều đó khiến tôi cũng cảm thấy mình tràn trề năng lượng.
"Vì thế tôi đi xe đạp, điều mà tôi không làm 12 năm sống ở Mỹ. Đạp xe tập thể dục ở hồ Tây, tôi cũng có thể dừng lại để ăn sáng bất cứ chỗ nào, đi chợ mua hoa ở Nghi Tàm và lang thang ngắm phố phường.
"Người Hà Nội rất thân thiện và ấm áp. Tôi đi theo chồng đến nhà đồng nghiệp là người Việt, họ mời đến ăn cơm vào dịp lễ tết. Chúng tôi cùng cả gia đình quây quần ngồi bệt dưới đất, trên mâm bày biện rất nhiều món ăn truyền thống. Điều này khiến tôi cũng nhớ gia đình mình, vì chúng ta cùng là người châu Á, phong tục khá giống nhau, các thành viên trong gia đình cùng chia sẻ và trưởng thành.
"Tôi ấn tượng nhất là những phụ nữ làm việc trên phố, họ khá vất vả. Họ mải mốt bên xe hoa tươi trên phố, những gánh hàng rong, thu gom rác.
"Có lần tôi bị một người bán hàng quát đòi tiền khi đi dạo và chụp ảnh ở phố cổ. Điều đó hay xảy ra ở các nước đang phát triển, nên tôi không quá phiền lòng. Đôi khi tôi cũng đi xe ôm, nhưng hơi ngần ngại vì mọi người đi qua lại nhanh và có nhiều người không đội mũ bảo hiểm.
"Với tôi, cuộc sống ở Hà Nội rất thú vị, không giống như bên Mỹ chỉ đi làm rồi về nhà.".
Ông Paul Brown, Anh, cố vấn cho Quỹ Cựu Chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF): Người Hà Nội mâu thuẫn trong kỹ năng ứng xử
|
Ông Paul Brown. Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
"Sống ở Hà Nội hơn ba năm nay nên mỗi khi đi công tác ở nước khác, tôi thường mong nhanh chóng được trở lại Hà Nội vì thích cảm giác tự do và thư giãn ở đây. Người Hà Nội có lối sống thoải mái, họ cũng chú trọng đến công việc, kiếm tiền nhưng không quá gấp gáp như người ở Singapore hay Hong Kong. Còn so với người Sài Gòn, người Hà Nội có vẻ quy củ hơn. Người Hà Nội có nhịp sống thong thả như cá, họ bơi lượn trong bể.
"Người Hà Nội có cuộc sống sôi động trên các vỉa hè, những nơi công cộng. Ở Bắc Âu, chúng tôi sống cuộc sống của mình trong nhà, vì thời tiết lạnh và ẩm ướt. Nhưng ở đây có rất nhiều hoạt động ngoài trời, nhiều quán ăn trên vỉa hè, hàng rong, xe ôm. Buổi tối thì mọi người khiêu vũ ở các công viên.
"Khi đi ăn trên phố hay mua sắm, tôi được mọi người hỏi han rất tận tình, lấy thêm gia vị hay cần gì khác. Cảm giác được người lạ quan tâm rất tuyệt vời với tôi". Một số người nói với ông rằng họ làm như vậy vì tiền, nhưng trong các nhà hàng, nhiều phụ bàn còn từ chối tiền boa của ông, điều mà nhiều người ở các nhà hàng châu Âu khác đều trông đợi.
"Người Hà Nội thân thiện, nhưng trong công việc, có vẻ không có kỹ năng làm việc nhóm tốt. Họ không có kỹ năng xã hội để giao tiếp tốt với nhau khi làm việc chung, họ thiên về cá nhân. Thậm chí những người ở vị trí lãnh đạo có xu hướng ra lệnh hơn là tạo thuận lợi để cấp dưới thực hiện công việc suôn sẻ.
"Với tôi, kết bạn ở Hà Nội khá dễ dàng. Tôi có một nhóm bạn thường gặp gỡ nhau và tán gẫu. Tôi dự định sẽ sống ở Hà Nội trong một vài năm tới".
Zuhal Saturn, 34 tuổi, nhà báo, người Afghanistan: Người Hà Nội rất tò mò nhưng tốt bụng
|
Zuhal Saturn bên các học trò Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Zuhal sống ở Hà Nội một năm nay với vai trò giáo viên tiếng Anh. Cô dành 15 năm sống ở Hamburg, Đức, 18 năm sống ở Toronto, Canada.
"Hà Nội tôi thăng hoa nhưng đồng thời làm trái tim tôi tan vỡ. Hà Nội là thành phố hôm nay bạn có thể yêu như người tình, nhưng ngày mai cũng có thể ghét như kẻ thù. Bởi nó rất dữ dội.
"Lần đầu tôi đến đây là trong một chuyến du lịch khắp châu Á, qua Malaysia, Thái Lan, Campuchia. Ngay lúc ra khỏi bến tàu ở Hà Nội, tôi biết tôi đã yêu thành phố này. Vì nó giống Hamburg, giống châu Âu, nhưng lại có sự hỗn loạn, sự ấm áp của châu Á.
"Người Hà Nội khá tọc mạch, từ hàng xóm tới chủ quán phở tôi hay đến ăn đều hỏi lương của tôi là bao nhiêu. Trong nền văn hóa của tôi, ở Afghanistan, ở Canada, Đức, hỏi ai đó kiếm được bao nhiêu tiền là rất bất lịch sự. Ba câu hỏi đầu tiên bất cứ người Việt nào dành cho cô luôn là: Bạn đến từ đâu? Bạn bao nhiêu tuổi? Bạn đã kết hôn chưa?
"Tuy vậy, người Hà Nội thực ra hay giúp đỡ, quan tâm nhau. Ở phương Tây, nếu bạn ngã trên đường, bạn phải rất may mới có người đến giúp đỡ. Tôi biết mọi người sẽ bất đồng với tôi về vấn đề này, nhưng đó là sự thật. Ở Hà Nội, bạn bị ngã, xe đè lên người, sẽ có hai người chạy đến giúp. Đây thực sự là vẻ đẹp của thành phố. Tôi yêu thành phố này".
(Theo VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.