Cuộc sống khốn cùng của 5 đứa trẻ săn tìm bọ cạp mưu sinh

Chủ nhật, ngày 05/01/2014 10:13 AM (GMT+7)
Một ngọn đồi tại xã Phú Tân (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) được người ta đặt tên ngọn đồi “5 anh em bọ cạp” chỉ bởi gần một năm nay, trên ngọn đồi này có 5 đứa trẻ chừng hơn mười tuổi đã lay lắt sống cùng nhau.
Bình luận 0
Đứa lớn nhất chỉ 13 tuổi, hằng ngày dẫn đám em nhỏ hơn “đầu trần, chân đất” vào rừng sâu, đào từng hang đất để bắt bọ cạp, một trong những loài vật có nọc cực độc để mưu sinh, bất chấp nguy hiểm mà những con vật đen đúa kia có thể mang lại.

Bên trong nhà chẳng có một vật dụng đáng giá
Bên trong nhà chẳng có một vật dụng đáng giá

Ngày nào cũng… đói

Chúng tôi đến xã Phú Tân vào một buổi trưa cuối năm trời nắng gắt, hỏi thăm nhà những đứa trẻ đó, người trong xóm tỏ vẻ ái ngại vì đường đi vào khu đồi đất ấy rất khó đi. Anh Nguyễn Lâm Trấn (44 tuổi, người sống cùng xã) cho biết: “Mấy chú tìm đến tối cũng không ra nhà đâu, đường đi quanh co, thôi ngồi đợi tôi vào nhà, lấy xe máy dẫn đường cho”.

Theo lời kể của anh Trấn, trước đây ngồi nhà nhỏ đó là nơi cư ngụ của mười nhân khẩu: hai vợ chồng và 8 đứa con, gồm 3 đứa nhỏ nhất là con chung, kết quả của gần chục năm chung sống, còn những đứa lớn là con riêng của người chồng với người vợ trước. Chính vì lẽ đó, sau nhiều mâu thuẫn phát sinh, một đêm mưa gió, cả người vợ và người chồng đều lặng lẽ bỏ đi đâu không ai biết, như trốn tránh tất cả trách nhiệm của bản thân họ với cuộc đời. Còn lại 8 người con, để có thể nuôi sống nhau, ba anh chị lớn đã đi làm thuê, làm mướn ở mãi dưới thành phố, đến tết mới về. Người anh 18 tuổi, làm công ty da giày, hai người chị 15 và 17 tuổi làm phục vụ tại một nhà hàng hải sản dưới Biên Hòa.

Thế là, ngôi nhà nằm hoang vắng trên ngọn đồi cao chỉ còn 5 đứa trẻ phải nương tựa nhau mà sống trong những lúc anh chị chúng chưa gửi tiền về kịp hoặc giả cũng không có tiền mà gửi về. Và trong ngôi nhà đơn sơ, Nguyễn Thành Tươi (13 tuổi) đã gánh vác nhiệm vụ là trụ cột gia đình, lo liệu cuộc sống cho bốn đứa em gồm: Nguyễn Văn Tốt (10 tuổi), Phạm Thị Thanh Tuyền (9 tuổi), Phạm Thị Nhiều (7 tuổi), Phạm Thị Kim Cương (3 tuổi).

Chúng tôi có mặt tại nhà các em vào buổi trưa cuối năm khi cánh cửa đóng kín. Vòng quanh khu nhà một hồi chỉ thấy một đứa trẻ mình lấm lem, nằm ngủ say trên chiếc võng kế bên bãi rác. Thấy chúng tôi, cô bé giật mình, vội chạy vào hiên nhà. “Anh con đi làm hết rồi, các chú đừng bắt cóc con”, vừa nói đứa bé vừa ôm chiếc thau nhựa che khuôn mặt sợ hãi. Sau một hồi hỏi thăm, chúng tôi mới nhận ra cô bé này tên Kim Cương, cách đây vài ngày cô bé nằm xỉu gần bụi chuối trên sườn đồi, được người dân phát hiện đưa đến trạm xá. “Hôm bữa ai xỉu vậy con?”, “Dạ, con xỉu đó”, “Tại sao con bị xỉu?”. Cô bé nghẹn ngào trả lời: “Tại con chờ anh về lâu quá, con đi bộ ra ngoài vườn để bẻ chuối ăn nhưng chưa đến nơi đã xỉu. Đói nên xỉu thôi!”.

Hơn 2 giờ chiều, hai đứa trẻ nữa lại về, Kim Cương bảo với chúng tôi người đi trước là anh Tươi, người đi sau là chị Nhiều. Tươi thấy chúng tôi vội chạy ra bên hông nhà, gỡ khung sắt leo vào cửa sổ để mở chốt cài của cửa chính. Mời chúng tôi vào nhà, Tươi vừa gãi đầu vừa giải thích: “Mất chìa khóa lâu rồi, nên con phải khóa cửa bằng cách này”. Theo quan sát của chúng tôi, bên trong căn nhà trống hoác, không một vật gì đáng giá cả. Nồi, chén vứt đầy nền nhà vì không có tủ, bàn để cất giữ. Dưới bếp chỉ có ba viên gạch kê chụm lại dùng để chất củi nấu cơm. Thành Tươi cho biết: “Hai đứa em gồm Văn Tốt, Thanh Tuyền đang nằm ở trạm xá vì xỉu, nên nhà của con bây giờ chỉ còn 3 đứa. Tụi con xỉu liên miên và liên tục vì đói quá mà không biết kiếm cái gì ăn. Quanh đây chỉ toàn cây với cây, chả có mấy thứ ăn được những khi đói”.

Bắt bọ cạp cực độc mưu sinh

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây hơn một năm, người cha của mấy đứa trẻ này đã vi phạm luật pháp trong một vụ ẩu đả gây thương tích cho người khác trong lúc say rượu nên phải bỏ trốn. Một mình người mẹ không cáng đáng nổi 5 đứa con thơ dại nên đã nghĩ quẩn, cũng bỏ đi đâu không rõ. Thế nên, để nuôi sống bản thân và các em mình, hằng ngày Tươi, 13 tuổi đã cùng một trong hai đứa em kế là Tốt (11 tuổi) và Tuyền (9 tuổi) đi vào sâu trong rừng tìm bắt bọ cạp - một loại động vật rất độc và nguy hiểm - để bán lấy tiền mua gạo và đồ ăn.
Hai đứa em của Tươi đang nằm trạm xá do xỉu vì đói, hiện tại chỉ còn 3 anh em ở nhà
Hai đứa em của Tươi đang nằm trạm xá do xỉu vì đói, hiện tại chỉ còn 3 anh em ở nhà.

Tươi cho biết, em học cách bắt bọ cạp từ những người đàn ông trong xã thường đến những khu vực quanh ngọn đồi này để bắt trước cả khi mẹ bỏ đi. Vì thế, sau khi chỉ còn mấy anh em trong căn nhà trống không, Tươi nghĩ ngay đến việc bắt bọ cạp để bán kiếm tiền. Mặc dù là một loại vật cực độc, có thể bị ốm liệt chân tay hay tử vong nếu chẳng may để nó cắn trúng người nhưng Tươi, bằng những lần được các thợ săn lớn tuổi truyền dạy đã biết cách khắc chế loài vật nguy hiểm này.

Em kể, trước khi đi bắt bọ cạp em đi mua khoảng 200 gram kiến bù nhọt (loại kiến to màu đen) với giá 20 ngàn đồng để làm mồi nhử. Sau đó, Tươi phân công cho Tốt xách xô bọ cạp, Tuyền xách lon đựng mồi kiến. Không ai bảo ai, Tươi lo đi tìm hang bọ cạp, hai đứa em ngồi canh bọ cạp bò ra ngoài là lấy que kẹp ngang thân nó lại, bỏ vào xô. Những năm gần đây, bọ cạp ít dần, 3 anh em nắng cháy đầu, tìm “đỏ con mắt” cũng chỉ bắt được 40-60 con (gần 1kg) bán khoảng 60 ngàn đồng mà thôi. Chính vì vậy, năm anh em sống lay lắt bữa đói, bữa no trong ngôi nhà của mình. Những ngày mưa, không đi săn bọ cạp được, năm anh em lại dạo quanh các vườn xung quanh kiếm rau, củ bỏ vào bụng.

Nhìn xô bọ cạp, từng con màu đen, toàn thân bóng nhẫy, lớp lông nhung bám trên lưng đâm ra tua tủa, chiếc đuôi lợi hại liên tục phóng nọc độc về phía trước khiến chúng tôi cảm thấy sợ hãi lạnh cả sống lưng. Thế nhưng cậu bé xem đó như là những con vật bình thường, là sinh kế hằng ngày của chúng. Chúng tôi thử hỏi cô bé 9 tuổi tên Nhiều: “Con sợ không?”. Nhiều trả lời một cách hồn nhiên: “Ghê lắm chú ơi! Nếu nó màu hồng là con thích rồi, đằng này màu đen to bằng ngón chân cái của mẹ con nên con ghét nó lắm. Có lần anh Tươi bị nó cắn phải, bàn chân sưng to như quả bầu, nằm nửa tháng vẫn không nhúc nhích được. Sau đó có bà lang ở dưới xã nghe tin lên cho ít lá màu xanh giã nhỏ bôi vào nó mới hết. Một tuần sau mới đi lại được. Tuy nhiên, dần dần con cũng hết sợ bởi không có nó lấy gì tụi con có tiền ăn cơm”.

Tâm sự với chúng tôi về cái nghề khá oái oăm này, Tươi cho biết sau hơn 1 năm đi săn loài vật nguy hiểm này, em đã ít nhiều hiểu được quy luật sinh học và tính cách của nó. Vì thế, để bắt bò cạp một cách dễ dàng, em đã tự phát minh ra cách bắt có một không hai đó là, sau khi phát hiện một hang bọ cạp, em liền nhúng một cây cỏ lông gà vào lon kiến, xe cho kiến bu đều vào lớp lông gà. Sau đó, đưa cây cỏ vào trong hang, con bọ cạp bị kiến cắn phải chui ra bên ngoài. Thế là, việc còn lại đã có 2 em nhỏ lo.

Kể về lịch sinh hoạt hằng ngày của những thành viên trong nhà, Tươi cho biết, ngày nào cũng như ngày nào, hơn 5 giờ sáng là em lại thức dậy, đong hai lon gạo nấu một nồi cơm rồi đun nồi nước canh pha với hai gói mì tôm cho các em ăn rồi mới đi bắt bọ cạp. Trưa lại về, nếu cơm còn, thì Tươi cùng em ăn, nếu cơm hết 5 đứa trẻ uống nước cầm hơi. Chiều đến Tươi lại lội bộ gần 10km để bán bọ cạp, mua ít rau muống về luộc ăn. Chứng kiến cảnh những đứa trẻ ngồi ăn cơm với mắm chúng tôi không cầm được lòng. Đút miếng cơm cho em út, Tươi nghẹn ngào: “Con muốn mẹ về, con mong sao các em được no, và đi học trở lại”.

Riêng chuyện học hành, Tươi bảo. Trước kia em và mấy đứa em khác cũng được học như các bạn cùng trang lứa nhưng từ khi mẹ bỏ đi, em cũng bỏ học luôn. Lúc đó em học lớp 5 . Dù không phải đóng tiền học phí nhưng đi học mất thời gian mà lại không có ai đi săn bọ cạp cùng nên mấy đứa em của em cũng đều nghỉ học theo.

Trước lúc ra về, chúng tôi cố ngoảnh mặt lại, nhìn về phía ngọn đồi nhỏ, nơi những hàng hoa dại đang bung nở trong ánh nắng hoàng hôn mùa xuân khe khẽ. Hy vọng, cả năm vất vả cực nhọc thì đến mùa xuân này, niềm vui, nụ cười và sự hạnh phúc sẽ tràn ngập ngôi nhà của năm mái đầu xanh kia. Có thể là người cha, người mẹ hoặc các anh chị của chúng sẽ về, như nỗi lòng ao ước lâu nay của chúng.
Khi bài báo này đến tay bạn đọc, chúng tôi cũng xin vô cùng vui mừng thông báo, người mẹ của 5 đứa trẻ này, chị Nguyễn Thị Tươi, đã trở về với các con, đúng thời khắc cuối năm, khi mà năm mới đã cận kề. Kể về những uẩn khúc trong thời gian vừa qua, chị Phượng cho biết. Hồi trước, do chị phải về quê ở dưới Bến Tre trông mẹ già bị bệnh rồi một thời gian sau, mẹ chị mất mà chị lại không có tiền để trở về Định Quán. Hơn nữa, trước lúc đi, chị có gửi 5 đứa con mình nhờ hàng xóm trông hộ và có lẽ, do chị đi lâu quá nên người hàng xóm đã không thể giúp đỡ gì chị được. Hiện nay, ngoài việc trở về với các con, chị cũng đang cố gắng đi làm thuê, làm mướn để phần nào làm tròn bổn phận của một người mẹ, mang tình thương che chở cho những đứa con mình.
Lê Phong (Dòng Đời) (Lê Phong (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem