Cuối năm gặp doanh nhân bánh tráng mảnh đất "hoa vàng, cỏ xanh" Phú Yên

Hùng Phiên Thứ năm, ngày 15/02/2018 13:01 PM (GMT+7)
Sống với quê nhà, nhiều người “không còn trẻ nữa” đã trăn trở tìm ý tưởng, chuyển hướng khởi sự kinh doanh. Từ quy mô đơn giản, họ đang kiên trì nới rộng… tầm ảnh hưởng.
Bình luận 0

Mô hình… nho nhỏ

Tôi gặp Đặng Trần Tuyên (SN 1978) trong một shop hoa nhỏ bên đường Lê Thành Phương (TP.Tuy Hòa, Phú Yên). Đang lúc có mưa và gió lạnh, shop vẫn lai rai khách. Tuyên cho biết: “Đa phần nông dân vùng Tuy Hòa chỉ chú trọng trồng các loại hoa cúc, mai, kiểng… trong chậu lớn. Điều này “làm khó” khách hàng ở nhà lô, thiếu diện tích đặt chậu hoa “bự”. Vậy là tôi suy nghĩ, bàn bạc với vợ mở shop bán các loại hoa chậu… be bé, xinh xinh đã hai năm nay”.

img

Đặng Trần Tuyên tại shop hoa chậu nhỏ ở Tuy Hòa. Ảnh: Hùng Phiên

"Trước đây, hầu hết ở tỉnh là các doanh nghiệp gia đình, bây giờ thì nhiều doanh nghiệp chỉ do một người hoặc vài người liên kết điều hành. Năm 2017, Phú Yên có 415 doanh nghiệp thành lập mới. Điểm nổi bật của lớp doanh nhân mới là có nhiều ý tưởng đột phá, sáng tạo để khẳng định mình. Việc ứng dụng công nghệ thông tin thành thạo đã giúp họ nhanh chóng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, làm giàu chính đáng”.

Doanh nhân Ngô Đa Thọ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên

Theo Tuyên, những năm gần đây, người chơi hoa kiểng đang ngày càng “chuyển hóa” mạnh. Trước đây, việc mua sắm sinh vật cảnh trang trí nhà cửa chỉ dồn vào dịp tết nhưng dần dần khách hàng mua đều trong năm. Ban đầu, do ít vốn, vợ chồng Tuyên phải cố vay mượn để tìm nhập phong phú các loại hoa “độc, lạ” để khách hàng lựa chọn. Vừa bán vừa tìm hiểu thị hiếu khách hàng, rồi định hướng tăng dần lượng hoa bán ra. Cùng lúc đó, anh còn nhập bán kèm các loại phân vi sinh, đất sạch, thiết kế các giàn hoa trang trí trong nhà, sân vườn…       

“Không thể trong vài ngày mà có ngay nhiều khách hàng. Vợ chồng tôi phải kiên trì chăm chút sản phẩm, chủ động liên hệ giới thiệu đến từng người quen biết, khách hàng tiềm năng. Nhờ có hiểu biết nghề vườn nên tôi dễ dàng chăm sóc các loại hoa, cây kiểng. Cứ thế, đầu tư từng bước chắc chắc, rồi mở rộng dần. Hiện tôi đang tìm thuê khoảng 1.000m2 đất để chủ động nhân rộng một số giống hoa mới lạ, giá trị cao. Phấn đấu kiếm lãi vài chục triệu mỗi tháng, thế là vợ chồng cùng hai con sống khỏe…” - Tuyên cười.

Đam mê bánh tráng

Với Đỗ Tô Trinh (SN 1975, ở xã Hòa Kiến, Tuy Hòa) thì “căn cứ địa” sản xuất bánh tráng của anh chỉ mới bắt đầu giai đoạn 1. Anh vốn nhiều năm làm nhân viên kinh doanh, thiết kế quảng cáo. Thu nhập cũng tạm có dư chút đỉnh nhưng anh không thích cảnh làm công cho người khác.

Sau nhiều lựa chọn, giữa năm 2017, vợ chồng anh đứng ra thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tô Thị, về quê thuê 5.000m2 đất để lập xưởng sản xuất bánh tráng. Với nguồn vốn huy động người thân và vay thêm ngân hàng, Trinh đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng để  mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng, lò tráng, hệ thống sấy, cắt bánh, thuê nhân công triển khai sản xuất,... Đến đầu năm 2018, những mẻ bánh tráng nhãn hiệu Tô Thị đã chính thức xuất xưởng tại cụm công nghiệp Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, Phú Yên.

Theo Trinh, sở dĩ anh chọn ngành bánh tráng bởi gia đình có mấy chục năm nghề bánh tráng. Lớn lên bên lò tráng bánh nên có hiểu biết nhất định về quá trình sản xuất và khu vực có thói quen sử dụng mặt hàng này. Vùng đồng bằng Tuy Hòa có nguồn gạo nguyên liệu dồi dào, giá cả phải chăng, phù hợp với sản xuất bánh tráng quy mô. Nguồn nhân lực thạo nghề làm bánh tráng ở đây còn khá nhiều. Vả lại, qua “lang thang” làm ăn, anh đã khảo sát, chắp nối được nhiều đầu mối có thể nhận phân phối ổn định mặt hàng bánh tráng. Thấy được định hướng lợi nhuận, anh lên ý tưởng vận động những người trong gia đình góp tay thành lập công ty bánh tráng. 

img

 Đỗ Tô Trinh với sản phẩm bánh tráng Tô Thị. Ảnh: Hùng Phiên

“Sản xuất nhỏ lẻ không thể có lợi nhuận lớn. Làm thực phẩm sạch luôn đòi hỏi sự đầu tư bài bản, không thể nóng vội. Mừng là những mẻ bánh đầu tiên đã được mọi người trong vùng đánh giá cao. Chiếc bánh tráng thơm nức mùi gạo đồng và “văn hóa cuốn” vẫn còn được ưa chuộng lâu bền ở nhiều nơi. Hiện tôi đang từng bước liên hệ hoàn thiện các thủ tục kiểm nghiệm, chứng nhận quy trình sản xuất an toàn vệ sinh. Qua các phương án tiếp thị, hiện nhiều đại lý, khách hàng khu vực miền Trung, TP.Hồ Chí Minh,… đã nhận nhập hàng bánh tráng Tô Thị. Từng bước chắc chắn, tôi đang mở rộng quy mô sản xuất, tuyển khoảng 30 nhân công lành nghề để đưa công ty đi vào kinh doanh ổn định” - Trinh nói.    

“Cảnh giác” vốn vay

Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, KTS Lê Trọng Cường (SN 1972, Công ty Kiến trúc Delta, Phú Yên) vẫn giữ thói quen thủ sẵn đầu giường cây bút chì và tập giấy: “Đây là “tật” mê thiết kế của tôi từ thời sinh viên ở Đại học Kiến trúc Hà Nội. Hễ có ý tưởng bất chợt lóe ra là tôi ghi ngay vào giấy. Bởi mỗi bản thiết kế công trình lớn nhỏ đều là một tác phẩm sáng tạo hoàn chỉnh, không đụng hàng. Tôi luôn hướng thiết kế những công trình phải gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với xã hội. Bởi thế, nhủ lòng phải luôn tìm tòi, thu nạp cho mình kiến thức liên quan”.

Tốt nghiệp đại học, bản thân có nhiều lợi thế “ngồi” trong cơ quan nhà nước nhưng Cường không muốn là “ông bàn giấy”. Đầu quân cho một công ty tư vấn xây dựng tại tỉnh nhà, anh đêm ngày trải nghiệm thực tế và bổ túc kiến thức kinh doanh. Đến năm 2005, anh quyết định thành lập Công ty Kiến trúc Delta. Những năm đầu “ra riêng” không hề dễ dàng. Bởi khi ấy, việc thiết kế các công trình xây dựng đều do một số công ty kiến trúc “có máu mặt” bao thầu.

Lê Trọng Cường cho hay, anh đã biết trước điều đó nên sẵn sàng “nắm tay” đối mặt, âm thầm từng bước huy động vốn từ người thân, vay ngân hàng để tạo dựng cơ ngơi. Chạy vạy đi tìm và thuyết phục những nhân sự chất lượng, cùng chí hướng đam mê thiết kế công trình. Rồi từng bước xây dựng các mối quan hệ đối tác. Những đồ án ban đầu, anh em ở Delta đã tập trung làm đến quên ăn quên ngủ, để tìm ra hướng thiết kế độc đáo, chất lượng nhất. Cứ thế, “tiếng lành đồn xa”, Delta đã từng bước đảm trách thiết kế hàng loạt công trình có quy mô lớn, ngày càng phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao; với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng.   

“Không còn con đường nào khác, tìm ý tưởng khởi nghiệp là không dễ nhưng quan trọng là phải kiên trì thực hiện. Công việc kinh doanh thì khó khăn luôn tiếp… khó khăn. Ví như, làm doanh nghiệp thì cần vay vốn. Thế nhưng phải “cảnh giác” với nguồn tiền này. Tôi phải lên phương án sử dụng từng món tiền vay cho các mục tiêu đầu tư rõ ràng và lợi nhuận nhất định. Đến giờ, tôi thấy mình đúng khi “nói không” với việc theo làm Nhà nước. Mở công ty, tôi làm được việc nhiều hơn, lợi nhuận cao hơn và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động” - Cường Delta tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem