Không nhịn được cười khi xem nam thanh nữ tú bịt mắt bắt vịt trong lễ hội

Hoan Nguyễn Thứ tư, ngày 15/02/2023 15:58 PM (GMT+7)
Vào ngày 25 tháng Giêng năm Quý Mão, người dân xã Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) tổ chức hội thi bịt mắt bắt vịt. Đây là hoạt động nằm trong lễ hội truyền thống đình Thạch Khoán năm 2023.
Bình luận 0

Cười vỡ bụng cảnh người chơi bịt mắt bắt vịt. Video: Hoan Nguyễn

"Cười ngất" xem bịt mắt bắt vịt trong lễ hội đình Thạch Khoán

Thi bịt mắt bắt vịt lễ một trong những hoạt động tại lễ hội đình Thạch Khoán. Lễ hội năm nay được tổ chức từ ngày 14-15/2 (tức 24-25 tháng Giêng năm Quý Mão).

1 nam, 1 nữ bịt mắt thi bắt vịt nhưng lại vồ phải nhau - Ảnh 2.

Những vịt chạy nhanh, thậm chí "bay" cao gây khó khăn cho người tham gia thi bắt. Ảnh: Hoan Nguyễn

Chị Nguyễn Thị Thủy (thuộc đội Chiềng Nội, xã Thạch Khoán) hào hứng: "Hôm nay là lễ hội của làng mình, mình có đến để tham gia các trò chơi của làng. Trong đó, vinh dự được chọn là 1 trong 26 người tham dự thi bịt mắt bắt vịt".

"Nói chung là con vịt này rất khôn, chạy nhanh, bay cao nên để bắt được nó thì phải có may mắn, chứ sức khỏe hay không thì cũng không thể bắt được con vịt này. Tham gia cuộc chơi, mình cũng không phải dùng chiến thuật gì cả, chỉ có là mọi người bên ngoài chỉ điểm, hò hét, cổ vũ là có thể bắt được", chị Thủy kể.

Năm nay, hội thi bịt mắt bắt vịt trong lễ hội đình Thạch Khoán có 13 khu (tương ứng 13 đội) với 26 người chơi tham gia.

Theo thể lệ, có 6 con vịt được ban tổ chức chọn lựa để các đội tham gia bắt. Mỗi đội tham gia bịt mắt bắt vịt gồm 2 thành viên (1 nam, 1 nữ), tuổi từ 18-40. Trong thời gian 5 phút, mỗi đội sẽ tham gia bắt vịt tại khoảng sân rộng khoảng 25m2, được quây tròn bằng lưới xung quanh từ trước.

1 nam, 1 nữ bịt mắt thi bắt vịt nhưng lại vồ phải nhau - Ảnh 3.

Người xem cười vỡ bụng khi người chơi bịt mắt bắt vịt nhưng lại "vồ phải nhau". Ảnh: Hoan Nguyễn

Nếu trong thời gian 5 phút, đội chơi không bắt được vịt sẽ thua. Đội nào bắt được vịt thời gian ngắn nhất sẽ thắng cuộc.

Năm nay, đội chơi đạt giải Nhất cuộc thi bịt mắt bắt vịt sẽ nhận phần thưởng 300.000 đồng và 3 con vịt; đội chơi đạt giải Nhì nhận 200.000 đồng và 2 con vịt; đội chơi đạt giải Ba nhận 100.000 đồng và 1 con vịt.

Theo ông Văn Mạnh Thắng, Trưởng ban tổ chức lễ hội đình Thạch Khoán, tham gia trò chơi bịt mắt bắt vịt, người chơi thi đấu không chỉ phụ thuộc vào may mắn, mà còn đòi hỏi phải có thể lực tốt, nhanh nhẹn và phản xạ tốt mới có thể bắt được vịt. Phần thưởng cho đội chiến thắng chính là những con vịt bắt được.

1 nam, 1 nữ bịt mắt thi bắt vịt nhưng lại vồ phải nhau - Ảnh 4.

Trò chơi này không dễ dàng dù là với những người chơi có kinh nghiệm. Ảnh: Hoan Nguyễn

Quan niệm xưa cho rằng, nếu người chơi bắt được vịt sẽ may mắn, làm ăn thuận lợi, phát tài phát lộc cả năm. Những người dân đến xem hội không chỉ tham gia cổ vũ mà họ còn nhiệt tình trợ giúp người chơi, định hướng vị trí của con vịt trong sân.

Bịt mắt bắt vịt là một trong những trò chơi dân gian thú vị đã có từ lâu đời, mang lại tiếng cười sảng khoái cho những người tham gia lễ hội đình Thạch Khoán trong dịp đầu năm mới.

Lễ hội đình Thạch Khoán gắn với ngôi đình cổ của người Mường

Đình Thạch Khoán nằm tại xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, thờ Tản Viên Sơn Thánh – người được coi là hình tượng tiêu biểu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Đình còn thờ 3 công chúa là con gái của Vua Hùng (Ngọc Hoa công chúa, Tiên Dung công chúa, Thủy Tiên công chúa), cùng 4 vị thổ tù họ Đinh người Mường xã Thạch Khoán – những người có công giúp vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh, gìn giữ quê hương được các triều vua sắc phong, sử sách lưu danh.

1 nam, 1 nữ bịt mắt thi bắt vịt nhưng lại vồ phải nhau - Ảnh 6.

Nghi thức múa sênh tiền trong phần tế lễ truyền thống đình Thạch Khoán. Ảnh: Hoan Nguyễn

Truyền thuyết kể lại rằng, trong một lần đi tuần thú qua làng Thạch Khoán, Tản Viên Sơn Thánh thấy địa thế đẹp như hổ phục rồng chầu, lấy làm đắc ý bèn cho lập công sở, tuyển binh rồi huấn luyện chuẩn bị đánh Thục.

Từ căn cứ Thạch Khoán, Tản Viên Sơn Thánh xuất binh đánh Thục rồi chiến thắng trở về. Người mở hội khao quân và dân bản. Từ đó dân Thạch Khoán dựng đình và suy tôn Đức Thánh Tản Viên là Thành hoàng làng.

Lễ hội đình Thạch Khoán được tổ chức vào ngày 24-25 tháng Giêng hằng năm, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm hoạt động rước kiệu, dâng hương theo nghi lễ truyền thống, tế lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Phần hội với hoạt động giao lưu văn hóa của các khu dân cư: Thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, liên hoan văn nghệ quần chúng. Song song với đó là các trò chơi dân gian, hoạt động dân gian quần chúng như kéo co, ném còn, chơi đu, bịt mắt, thi đấu bóng chuyền…

Lễ hội đình Thạch Khoán là một trong những lễ hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian mang nét đặc trưng nhất trên Đất Tổ.

1 nam, 1 nữ bịt mắt thi bắt vịt nhưng lại vồ phải nhau - Ảnh 7.

Độc Đáo phần đâm đuống của người Mường trong lễ hội đình Thạch Khoán năm 2023. Ảnh: Hoan Nguyễn

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đình và lễ hội đình Thạch Khoán đã trở thành di sản văn hóa lịch sử, là điểm hội tụ văn hóa tâm linh, trung tâm sinh hoạt văn hóa, tinh thần cộng đồng, làng xã của dân tộc Mường ở Thanh Sơn và các vùng lân cận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem