Cuốn nhật ký khiến trái tim thổn thức

Thứ ba, ngày 22/11/2011 07:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ những suy tư về chiến tranh, về sự hy sinh mất mát và trải nghiệm của bản thân… những trang viết của Trần Văn Thùy đã trở thành câu chuyện sinh động về hơi thở cuộc sống của một thời “máu lửa”.
Bình luận 0

Những lát cắt sống động

Năm 1965, sau khi tốt nghiệp THPT, Trần Văn Thùy (Phủ Lý, Hà Nam) gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, vào tuyến lửa Trường Sơn làm nhiệm vụ mở đường. Anh bỏ lại sau lưng cả sự nghiệp đèn sách cùng bao lo lắng của mẹ cha (tác giả là đứa con trai độc nhất trong gia đình).

img
Những cô gái thanh niên xung phong ở Trường Sơn.

“Người ta mất đứa nọ còn có đứa kia, nếu con mất đi - còn có đứa nào nữa đâu” (trích trong Nhật ký Thanh niên xung phong Trường Sơn 1965 – 1969). Tuy chỉ là những dòng nhật ký viết vội nhưng đó là những khắc họa chân thực diện mạo cuộc sống thời bấy giờ của những thanh niên xung phong tại chiến trường. Đó là công việc làm đường, sửa đường, duy trì cuộc sống của mình và đồng đội giữa nơi rừng già nhiều thiếu thốn và đầy hiểm họa. Những cuộc chiến sinh tồn trước hiểm họa bom đạn từ máy bay địch đánh phá. Hay những cảm nhận từ con tim chàng học trò thơ ngây lần đầu vào chiến trường, đối mặt với thương vong, với tử thi...

“Bất ngờ quá, Thọ đã hy sinh, mình thấy choáng váng… Xe thương binh đi qua, mình lao lên. Nguyệt bị sức ép mềm nhũn, Minh, Nga đều không hay biết gì…” (trích trang 159). Bên cạnh những hình ảnh đầy “hoang mang, lo sợ” của cái chết, còn là hình ảnh trìu mến, thân thương trong cuộc sống lao động tập thể, cưu mang chăm sóc lẫn nhau của các đội viên thanh niên xung phong.

img
 

Những cảm xúc lo lắng, nhớ nhung khi biết tin gia đình: “Tin đau xót đến với bản thân bất ngờ quá làm tôi choáng váng. Ngày 18.8.1966, giặc Mỹ đã dã man mang máy bay đến oanh tạc quê nhà, cô Tuân đã chết… Trên Phủ Lý, kẻ thù đã san bằng toàn thị xã, gia đình phải về Đục Khê, nhà cửa không còn gì cả…” (trích trang 149)…

Hình ảnh của nhiều thế hệ

Từ những trang viết chứa đựng suy tư của tác giả Trần Văn Thùy, cuốn nhật ký đã mang đến cho người đọc những hình ảnh chân thực về những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Họ đã xả thân mình làm nên lịch sử, ghi dấu thế hệ mình vào lịch sử hiện đại đầy máu lửa của dân tộc. Nhưng tất cả những chàng trai, cô gái đó đều hiểu con đường duy nhất của mình là cống hiến sức lực của tuổi trẻ cho công việc chung.

Năm 2002, anh mất sau một cơn bệnh nặng. Một số người bạn tình cờ tiếp xúc với những trang ghi chép của anh khi đang là thanh niên xung phong trên tuyến lửa. Chính từ những ghi chép này, tác phẩm “Nhật ký Thanh niên xung phong Trường Sơn 1965-1969” đã ra đời.

Theo nhà văn Lại Nguyên Ân: “Trần Văn Thùy là một người ham chuộng văn học. Giữa bom đạn và lao động mệt nhọc, nhưng anh vẫn duy trì được thói quen đọc sách. Trên trang nhật ký vẫn sống với các nhân vật văn học, vẫn không ngừng tìm kiếm thông tin, tìm kiếm hiểu biết về văn học qua trao đổi thư từ với bè bạn ở hậu phương, vẫn duy trì nếp sống tinh thần với các hoạt động ca hát, làm thơ, dựng kịch…”.

Những con người lao động hết mình đảm bảo sự thông suốt của con đường ra trận vẫn đồng thời là những con người có lý tưởng, luôn luôn hướng về tương lai của mình với những sắc màu tươi sáng hơn, đáng mong ước hơn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem