Trong đơn gửi Báo NTNN, ông Cấn Văn Thiều ở thôn Mơ, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết: Thôn Mơ vốn dĩ có nghề làm gạch ngói truyền thống; cách đây vài tháng ông có mua khoảng 1.400m3 nguyên liệu để chuẩn bị cho lò gạch mới. Vì không gian khuôn viên của gia đình chật hẹp, ông Thiều đã đổ số đất nói trên xuống mảnh ruộng của gia đình (ruộng giao theo Nghị định 64, nhưng không canh tác được do là thùng vũng).
Ngày 25.3, UBND xã Kim Quan ra thông báo buộc gia đình ông phải di chuyển số đất trên. Ngày 5.4, xã thuê máy xúc và đưa lực lượng chức năng xuống thực hiện cưỡng chế.
Tại thời điểm ấy, ông Thiều đã đề nghị xã cho phép ông di chuyển số đất kia đi nơi khác, nhưng đoàn cưỡng chế không đồng y mà múc hết số đất của ông đổ đi nơi khác. Vì lý do trên, giữa 2 bên đã xảy ra chuyện đôi co. Trưởng công an xã đã dùng còng số 8 còng tay giải ông về trụ sở UBND xã…
|
Ông Thiều ngẩn ngơ trước lò gạch trống sau khi bị xã cưỡng chế. |
Theo người dân ở đây, ở thôn Mơ có trên 40 lò gạch, ngói thủ công, thường xuyên… nhả khói. Trước đây đã mấy lần các ngành chức năng của huyện và thành phố xuống kiểm tra và đã có lệnh cấm sản xuất gạch ngói thủ công. Tuy nhiên vì miếng cơm manh áo, người dân vẫn tiếp tục sản xuất, chính quyền làm ngơ.
Theo ông Cấn Văn Thiều, tổng số đất ông mua về để chuẩn bị cho “mẻ” gạch mới là 1.400m3. Giá 1 m3 tại thời điểm ông mua là 120.000 đồng. Tuy nhiên toàn bộ số đất trên đã bị xã cưỡng chế, làm gia đình ông thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Quốc Biểu - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Quan nói: Vi phạm của ông Thiều là đổ vật liệu vào khu đất quỹ 1 (đất trồng 2 vụ lúa). Ngày 25.3, chúng tôi đã mời ông Thiều lên xử phạt hành chính; nhưng ông Thiều xin gia hạn 10 ngày để khắc phục hậu quả.
Sau 10 ngày, ông Thiều vẫn không khắc phục nên đến ngày 5.4 xã quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, vị trí gia đình ông Thiều đổ vật liệu thực tế là một cái thùng vũng chứ không phải là ruộng 2 vụ lúa như lời ông phó chủ tịch.
Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao cưỡng chế mà xã lại không bảo quản tang vật, ông Biểu cho rằng tang vật ở đây là đất nên xã “khoán” cho đoàn cưỡng chế… thích đổ đi đâu thì đổ!
Để làm rõ việc này, chúng tôi đã 2 lần lên xã Kim Quan thu thập thêm thông tin. Tuy nhiên, cả 2 lần, UBND xã Kim Quan đều tìm mọi cách từ chối.
Trần Thụ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.