Ông chủ quán Bốn Mùa
Vốn là một sĩ quan đơn vị kỹ thuật không quân ở sân bay Nha Trang, năm 2000 xuất ngũ, Đỗ Lương Dũng chọn Long An làm nơi lập nghiệp với nghề kinh doanh ăn uống. Các quán ăn mang tên Bốn Mùa với nhiều món ăn mang hương vị ba miền Bắc- Trung- Nam của viên cựu sĩ quan đã làm người Long An khoái khẩu.
|
Cựu chiến binh Đỗ Lương Dũng trong vườn cây thanh long ruột đỏ. |
Đứng chân trên mảnh đất xứ Tầm Vu nơi phát triển giống cây thanh long ruột đỏ đầu tiên ở Việt Nam, nhìn trái thanh long ruột đỏ có giá trị xuất khẩu, anh Dũng nảy ra ý tưởng mang giống về trồng trên đất gò đồi ở quê hương Thanh Hóa của mình.
Với tư chất của một người lính, đã quyết là làm, đã làm là làm đến cùng, hàng ngày vừa phải tự mình quản lý, chế biến món ăn phục vụ khách, anh vừa tranh thủ lân la đến làm quen với các nhà vườn để tìm hiểu đặc tính thổ nhưỡng, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ...
Năm 2008, về thăm quê ở thôn 3, xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) hành lý mang theo ngoài tư trang, quà cho vợ con và xóm giềng… Đỗ Lương Dũng không quên mang 3 nhánh thanh long ruột đỏ do một chủ vườn biếu.
Về đến nhà, công việc đầu tiên là anh chọn một chỗ khá kín đáo giữa vườn vải, nhãn rộng 600m2 của gia đình để trồng 3 nhánh thanh long. Anh hồi hộp với quá trình thử nghiệm xem loại cây này có phát triển được trên đất đồi Thanh Hóa hay không? Không ngờ, chỉ sau một thời gian chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, 3 cây thanh long đã ra hoa, kết trái, chất lượng không thua trồng ở Long An.
Phủ xanh đồi trọc
Việc anh Đỗ Lương Dũng rời đất Long An trở về sống ổn định cùng vợ và 3 đứa con gái tại quê nhà Thanh Hóa như một lẽ thường tình, bởi xuất phát từ tình yêu quê hương và muốn góp phần nhỏ trong việc đưa giống cây trồng mới đến với vùng đất đồi đang để hoang chưa có điều kiện khai thác.
Để thực hiện ý tưởng hằng ấp ủ, Đỗ Lương Dũng làm đơn gửi chính quyền địa phương xin được tự đào đất san lấp một con đường lên đồi dài gần 300m để vận chuyển phương tiện sản xuất. Cùng lúc anh khoan 3 cái giếng, có giếng sâu hơn 70 mét để lấy nước phục vụ trồng thanh long, rồi mua xi măng, cát, đá tự đổ hàng trăm cột trụ bê tông cao gần 2m làm trụ cho dây thanh long leo bám.
Cùng với cải tạo đồi trống, Nguyễn Lương Dũng còn mạnh dạn đốn trụi hàng trăm gốc nhãn, gốc vải trong vườn nhà, thay vào đó là những trụ bê tông làm điểm tựa cho thanh long. Thấy anh “chuyển đổi cây trồng” mới lạ, có người trong xóm thì thào: “Có phải ông Dũng “ấm đầu” rồi không?”.
Từ thành công của anh Đỗ Lương Dũng, đến nay đã có hơn 15 hộ gia đình nông dân ở Thanh Hóa bắt tay trồng thanh long ruột đỏ.
Với ý chí táo bạo ấy, đến năm 2010, Đỗ Lương Dũng đã trồng đồng loạt 100 gốc thanh long ruột đỏ ở mảnh vườn phía sau nhà. Sau những lần thu hoạch đầu, nếu chỉ với giá bán mang tính giới thiệu sản phẩm mới 20.000 đồng/kg, gia đình anh có khả năng thu nhập được 16 triệu đồng. Nhưng, thành quả lao động ban đầu này được gia đình người cựu chiến binh làm quà biếu tặng cho bà con khắp vùng, để mọi người có dịp cùng thưởng thức món ngon vật lạ và khuyến khích mọi người cùng phát triển cây trồng mới.
Cuối năm 2010, anh Đỗ Lương Dũng đã dành toàn bộ số tiền hơn 20 triệu đồng thu được từ việc sản xuất nấm rơm, nấm sò để hoàn thành con đường dẫn lên đồi trọc trồng thanh long, giúp bà con chòm xóm cũng có đường đi thuận lợi để đưa cây dứa (khóm) lên đồi. Rồi tiếp đó, Đỗ Lương Dũng bắt tay dựng trụ trồng thêm 600 gốc thanh long ruột đỏ.
Khuynh Diệp – Hoàng Đỗ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.