Ứng dụng công nghệ vào sản xuất hàng hóa, lão nông Cao Bằng "biến" thức quà quê thành sản phẩm OCOP
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất hàng hóa, lão nông Cao Bằng "biến" thức quà quê thành sản phẩm OCOP
Chiến Hoàng
Thứ tư, ngày 27/11/2024 08:50 AM (GMT+7)
Từ thức quà quê dùng để... chống đói, hội viên nông dân Lâm Thanh Quý đã "biến" bánh khảo Cao Bằng thành sản phẩm OCOP, được bán khắp Bắc - Trung - Nam khiến người tiêu dùng trầm trồ mỗi khi thưởng thức.
Cuối chiều, phía ngoại ô thành phố sương đã dần buông. Phố cũng đã lên đèn, vậy nhưng tại xưởng sản xuất bánh khảo Sơn Tòng (địa chỉ tại tổ 12 phường Sông Hiến, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng), những công nhân vẫn tất bật luôn tay để kịp có hàng cho khách.
Chớm "mùa bánh khảo", khách khắp nơi gọi về đặt bánh làm quà biếu Tết khiến xưởng bánh nhà ông Lâm Thanh Quý nhộn nhịp như hội. Những phong bánh khảo cũng theo đó mà dậy hương, len tràn ngõ phố, neo bước chân người.
Ông Lâm Thanh Quý, chủ cơ sở sản xuất bánh khảo truyền thống Sơn Tòng cho biết, bánh khảo thuộc mặt hàng mang tính vụ mùa. Thường, cơ sở của ông chỉ làm khoảng 1.000 phong bánh mỗi ngày. Nhưng từ tháng 11 âm lịch đến hết tháng 2, sản phẩm được người tiêu dùng mua nhiều, xưởng phải hoạt động hết công suất, trung bình mỗi ngày sẽ phải làm từ 3.000 - 6.000 phong bánh mới tạm đủ cho khách.
Theo ông Quý, bánh khảo truyền thống của người Tày - Nùng Cao Bằng đã có từ xa xưa và là thức quà quê… dùng ăn chống đói. Ký ức tuổi thơ vẫn còn đó với biết bao kỷ niệm gắn bó với nghề làm bánh. Chính bởi đó, năm 1986 khi xóa bỏ bao cấp, tôi đã quyết định mở xưởng sản xuất để đưa thức quà quê ngày nào thành sản phẩm hàng hóa.
"Lúc mới mở xưởng, sản phẩm làm ra bán được rất ít. Nói chung khó khăn rất nhiều, đầu ra chưa ổn định, thiết bị máy móc cũng như vốn thiếu nghiêm trọng. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng nỗ lực của cơ sở, hiện đầu ra cho sản phẩm đã không còn phải lo nữa. Và có lẽ cơ sở sản xuất bánh khảo truyền thống của chúng tôi là một trong rất ít cơ sở tại địa phương có thâm niên hoạt động gần 40 năm.
Ngày trước, chúng tôi phải đi bán từng phong bánh ngoài chợ. Giờ thì bánh khảo của cơ sở chúng tôi đã tạo dựng được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường nên chủ yếu bán sỉ là chính. Bánh khảo truyền thống do chúng tôi làm ra hiện được bán rộng rãi, tiêu thụ mạnh đặc biệt ở 6 tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên và TP.Hồ Chí Minh", ông Quý nói.
Ông Quý cho biết, về công nghệ máy móc, cơ sở có máy rang lạc, rang gạo, máy hấp thịt còn cán, trộn thì vẫn phải làm thủ công để đảm bảo sự thơm ngon đặc trưng, truyền thống. Cũng theo ông Quý, để có những phong bánh khảo ngon, đậm vị và truyền thống đòi hỏi phải có nguyên liệu đầu vào tốt, nhân viên phải được tập huấn nâng cao tay nghề và đặc biệt phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Đến sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng
Cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng của hội viên nông dân Lâm Thanh Quý, ngày thường duy trì 6 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa vụ, nhân công lên đến 15, 20 người. Sản phẩm bánh khảo Sơn Tòng cũng đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Theo ông Quý, khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm bánh khảo của cơ sở ông cũng được người tiêu dùng quan tâm hơn, số lượng tiêu thụ nhờ đó cũng cao hơn.
Ông Quý cho biết, cơ sở cũng đang nỗ lực để nâng sao cho sản phẩm của cơ sở và tiến tới sẽ thành lập HTX và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn để sản phẩm của cơ sở có thể tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ nông sản… và tham gia các sàn thương mại điện tử.
Cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng thật như đếm cho rằng, cơ sở chỉ có duy nhất một sản phẩm nên việc mang đi tham gia các chương trình xúc tiến thương mại cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó ông mong muốn ngành chức năng tạo điều kiện để đưa sản phẩm bánh khảo Sơn Tòng đi kèm các đơn vị khác đa dạng về mặt hàng tham gia các hội chợ, sự kiện thương mại.
Ông Quý cũng đau đáu, nghề làm bánh khảo truyền thống ở Cao Bằng hiện nay không còn nhiều người làm, việc mai một là hoàn toàn có thể. Ông Quý mong muốn các cấp ngành sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn nữa đối với nghề làm bánh khảo nói riêng và các nghề truyền thống khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Là cán bộ được giao nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân trong các phong trào, nhất là phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, tăng gia sản xuất, bà Ngô Phương Thảo, chuyên viên Hội Nông dân TP.Cao Bằng cho biết, bánh khảo Sơn Tòng và cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng là đơn vị được đánh giá có sản phẩm bánh khảo ngon nhất nhì tỉnh, và cũng là cơ sở sản xuất bánh khảo được người tiêu dùng biết đến nhiều nhất hiện nay, không chỉ riêng địa bàn tỉnh Cao Bằng.
"Cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng hằng năm đến tháng Chạp đa phần không còn bánh để bán. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng đã ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất; đồng thời vẫn giữ được những khâu quan trọng làm thủ công theo cách truyền thống để đảm bảo chất lượng sản phẩm đã làm nên thương hiệu bánh khảo Sơn Tòng. Trên cơ sở hiệu quả kinh tế đó, Hội Nông dân TP.Cao Bằng cũng đã có kế hoạch để nhân rộng mô hình này trong hội viên, nông dân", bà Thảo cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.