3.000 trang ghi chép về Bác Hồ
16 tuổi, để tránh bị bắt đi quân dịch, ông Khai bỏ làng băng rừng lên vùng chiến khu làm liên lạc cho Ủy ban Kháng chiến xã Hải Quang (bây giờ là Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Đến năm 1954, khi Hiệp định Giơnever ký kết, ông Khai ra Bắc xin vào làm công nhân, đi lái xe, vừa làm vừa học...
|
Ông Nguyễn Hồng Khai bên tập ảnh, bài viết về Bác Hồ do ông sưu tập.. |
Ý tưởng viết sử xuất phát từ những năm tháng theo đơn vị đi mở đường, được tiếp xúc, sống với bà con ở các làng quê khác nhau, biết được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Đến năm 1990, nghỉ hưu, ông mới có thời gian để sưu tầm tranh ảnh và chép sử. Đầu tiên, ông tìm hiểu lai lịch nơi chính làng quê mình sinh ra và lớn lên. 5 năm miệt mài, ông chép xong cuốn sử làng Đại An Khê dày hàng trăm trang với những con số, sự kiện chính xác, giúp hàng chục sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế tìm hiểu về văn hóa.
Không chỉ mê sử làng, ông Khai còn thần tượng các vị lãnh tụ, đặc biệt là Bác Hồ. Dừng câu chuyện, ông khệ nệ bưng tập tài liệu dày khoảng 3.000 trang cho tôi xem. Trong đó có đầy đủ các bài báo trong nước, nước ngoài viết về Bác Hồ và các tấm hình của Bác từ thời niên thiếu cho đến khi trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Để hoàn thành được cuốn sử về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, mỗi tháng ông dành đồng lương hưu còm của mình ngược xuôi trên những chuyến xe đò tìm về xứ Nghệ, rồi vào tận Bình Thuận - nơi Bác từng dạy học, để tìm tòi, ghi chép.
Viết để quên và để nhớ
Đã làm công việc này được 22 năm, mỗi tuần vài lần, ông lọ mọ đạp xe lên thị xã Quảng Trị, ra Đông Hà hoặc vào Huế xin lại sách, báo cũ mang về. Ông dành thời gian đọc, suy ngẫm và bắt đầu viết. Viết một lần thấy chưa thỏa mãn, ông viết lần 2 - 3, đến khi nào vừa ý mới thôi. Hiện tại, ông có trong tay hàng nghìn bài viết, ảnh tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng khác.
Để kiểm chứng lại sự chính xác, ông chọn vài bài tham dự các cuộc thi. Năm 2005 khi Website Đảng Cộng sản Việt Nam phát động cuộc thi "60 năm nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam", với 130 trang viết tay, bài dự thi của ông được vào vòng sơ khảo cấp Trung ương. Năm 2006, cuộc thi tìm hiểu “Đồng chí Lê Duẩn với quê hương Quảng Trị Anh hùng, đổi mới”, ông đoạt Giải Ba cấp tỉnh…
Hỏi về chuyện riêng tư, ông Khai chợt chùng giọng. Thuở còn là chàng sinh viên, ông từng có mối tình sâu nặng với cô bạn cùng lớp. Nhưng thời buổi chiến tranh loạn lạc, thanh niên trai tráng lần lượt ra chiến trường, ông không thể vì hạnh phúc riêng tư nên mối tình đó cứ lặng câm suốt mấy năm ròng rã. Chiến tranh vào giai đoạn khốc liệt, ông tình nguyện đi B. Hành trang mang theo ra chiến trường có vài bộ quân phục và trái tim giấu kín tình yêu đẹp nhất của đời người...
“Cũng có đôi khi giật mình ngoảnh lại, thấy mình vẫn chăn đơn gối chiếc, tôi cũng buồn lắm, chênh vênh lắm. Nhưng mỗi lúc như vậy, tôi lại ngồi vào bàn viết. Viết để quên và để nhớ. Quên nỗi buồn riêng tư của cuộc đời và nhớ lịch sử, gốc gác quê hương” - ông Khai trải lòng.
Uyên Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.