Cựu Chủ tịch Tổng Công ty thép Việt Nam: "Trách nhiệm chắc do tòa quyết"

Phạm Hiệp Thứ hai, ngày 12/04/2021 19:10 PM (GMT+7)
Trong phiên xét xử buổi chiều vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty thép Việt Nam đã trình bày trước Hội đồng xét xử về trách nhiệm của mình trong vụ án.
Bình luận 0

Ông Mai Văn Tinh – cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) là người thứ 2 được nhắc đến trong danh sách truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Tại tòa chiều cùng ngày, bị cáo Mai Văn Tinh trình bày biết Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) có vi phạm ở dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Theo bị cáo Mai Văn Tinh, ông làm Chủ tịch HĐQT VNS từ năm 2007 đến năm 2013 thì nghỉ hưu, và tại thời điểm đương chức, ông không nhận được bất cứ báo cáo nào về việc hủy hợp đồng, lúc đó chỉ tập trung bàn cách cứu dự án.

Trước việc MCC có vi phạm tại dự án mà TISCO làm chủ đầu tư, cựu Chủ tịch HĐQT VNS cho biết lúc đó chỉ tập trung tìm giải pháp tháo gỡ.

Cựu Chủ tịch Tổng Công ty thép Việt Nam: Trách nhiệm chắc do tòa quyết - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch HĐQT VNS Mai Văn Tinh nói thời điểm biết MCC vi phạm, các đơn vị chỉ tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn để dự án nhanh chóng được cải thiện, hoàn thành.

Ông Mai Văn Tinh cũng thừa nhận có nhận được tờ trình của bị cáo Đậu Văn Hùng - cựu Tổng Giám đốc VNS, đề nghị điều chỉnh cơ cấu thêm 15,57 triệu đô, giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ.

Khi nhận được tờ trình này từ ông Hùng, vị cựu Chủ tịch VNS đã giao cho ban kiểm soát kiểm tra, xem xét sau đó gửi cho các Ủy viên HĐQT VNS.

"Các Ủy viên hội đồng đồng ý thì theo quy trình tôi ký văn bản đó, thay mặt hội đồng gửi tới Chính phủ" – bị cáo Mai Văn Tinh trình bày.

Theo bị cáo này, tại thời điểm đó ông không nhận thức được việc vi phạm của mình, tâm nguyện là làm sao cho dự án nhanh chóng đi vào sản xuất, mong cho nhanh, hoàn chỉnh chứ không có ý gì khác.

Giờ thấy thất thoát, thấy có trách nhiệm.

Trước câu hỏi từ chủ tọa phiên tòa hỏi ai chịu trách nhiệm cho tổn thất 830 tỷ của dự án, bị cáo Mai Văn Tinh trả lời: "Chắc tòa án quyết thôi".

Vị cựu Chủ tịch VNS nói ông chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu.

Cựu Chủ tịch Tổng Công ty thép Việt Nam: Trách nhiệm chắc do tòa quyết - Ảnh 2.

Khi được hỏi ai chịu trách nhiệm cho số tiền Nhà nước thất thoát ở dự án là hơn 830 tỷ đồng, ông Mai Văn Tinh nói chắc do tòa quyết, ông chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu. (Ảnh: TTXVN)

Theo cáo trạng, bị cáo Mai Văn Tinh với chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT VNS có trách nhiệm xem xét phê duyệt, chỉ đạo thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định.

Khi được TISCO báo cáo việc MCC vi phạm hợp đồng thì phải có trách nhiệm chỉ đạo xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, xem xét để hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại… nhưng đã không thực hiện mà lại chỉ đạo đàm phán với MCC để giải quyết các phát sinh của hợp đồng EPC số 01#.

Ông này còn trực tiếp ký các văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho điều chỉnh chi phí (dự toán) phần C của hợp đồng EPC số 01#.

Cáo trạng thể hiện, giá trị hợp đồng EPC số 01# là hơn 160 triệu đô, là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng (trừ trường hợp có thỏa thuận khác), đã bao gồm các loại thuế được xác đinh trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức tổng thầu EPC.

Giá chi tiết gồm 3 phần: Chi phí thiết kế và dịch vụ kỹ thuật (phần E) là hơn 3,1 triệu đô; chi phí thiết bị (phần P) là hơn 114 triệu đô; chi phí xây lắp (phần C) là gần 43 triệu đô.

Bị cáo Mai Văn Tinh còn ký văn bản đề nghị Chính phủ đồng ý chủ trương chấp thuận VINAINCON (Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam) không đủ năng lực làm nhà thầu phụ thực hiện phần C, cho phép chủ đầu tư được thực hiện phần C theo đơn giá điều chỉnh.

Cùng với đó, ông này còn ký văn bản chấp thuận và giao cho người đại diện vốn của VNS tại TISCO phê duyệt (hoặc biểu quyết phê duyệt) về điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, trong đó có dự phòng cho phần C của hợp đồng EPC tăng thêm 15,57 triệu đô không có cơ sở pháp lý, không đúng quy định của hợp đồng.

Hành vi của bị cáo Mai Văn Tinh đã dẫn đến TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư vào dự án; không ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu về tiến độ, giá trị hợp đồng, là nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh tăng lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Mai Văn Tinh với vai trò là người chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem